Thủy điện Bình Điền: "Lợi bất cập hại"

(Dân trí) - Ngày 25/10, Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội thuộc Liên hiệp Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh TT-Huế tổ chức hội thảo “Đánh giá môi trường thủy điện Bình Điền sau hơn 3 năm hoạt động”

Công trình Thuỷ điện Bình Điền được khởi công xây dựng ngày 29/01/2005 tại xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế và đưa vào tích nước ngày 01/08/2008, hòa lưới điện quốc gia ngày 20/05/2009. Đây là công trình thủy điện cấp II với công suất lắp máy là 48 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 179,884 triệu kWh/năm, tạo dung tích hữu ích hồ chứa 344,4 triệu m3 nước để tạo nguồn phát điện.

Được xem là công trình thủy điện trọng điểm nhất tại tỉnh TT-Huế, sau 3 năm hoạt động, ngoài 2 tác động tích cực do thủy điện này là: bổ sung một lượng điện đáng kể cho lưới điện Quốc gia 553 triệu kW, trung bình mỗi năm TĐ BĐ sản xuất 181 triệu kW điện; Cắt lũ tiểu mãn, giảm lũ chính vụ cho vùng hạ du (thủy điện này có dung tích phòng lũ 70 triệu m3, số lượng lụt tiểu mãn từ năm 2009 đến nay không còn nữa cũng như các cơn lụt giảm so với những năm từ 2009 trở về trước đó).

Thủy điện Bình Điền: Lợi bất cập hại
Hội thảo đã nêu ra nhiều điểm hay về mặt tích cực, tiêu cực tại thủy điện trọng điểm của tỉnh TT-Huế.

Nhiều tác động tiêu cực khác được nêu ra bên cạnh 2 tác động tích cực là: ảnh hưởng đến giá nước sinh hoạt (thủy điện đã làm độ đục tại sông Hương tăng nhanh, dẫn đến các đường ống dẫn nước bị hư hại nên Công ty Cấp thoát nước TT-Huế phải đầu tư để súc rữa đường ống và tốn rất nhiều kinh phí trong việc xử lý nước cấp cho tiêu thụ với hơn 5,1 tỷ đồng đầu tư năm 2009);

Nguồn cung cấp cát sỏi xây dựng cũng giảm rất nhiều. Theo kết quả khảo sát 30 hộ gia đình khai thác cát sạn trên sông Hương ở xã Hương Hồ và Hương Thọ cùng với kết quả thảo luận nhóm những người khai thác cát sạn trên sông Hương cho thấy, hiện nay lượng cát sạn đã giảm đến 50 % so với thời điểm trước năm 2009. Những người này cho hay, trước đây việc khai thác cát sạn trên sông Hương có thể thực hiện bất cứ đâu cũng có, nhưng kể từ khi có đập thủy điện, lượng cát giảm hẳn. Do đó, theo thời gian, việc khai thác cát sạn của họ phải di chuyển dần lên phía thượng nguồn.

Thủy sinh vật và nghề cá cũng bị ảnh hưởng lớn. Lượng rong trên sông Hương đã giảm hơn 90 % so với thời điểm những năm trước năm 2009. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do lượng dinh dưỡng cung cấp cho rong giảm và nhiệt độ nước sông Hương bị lạnh vào mùa hè. Do rong có vai trò chính đối với sự sinh trưởng và phát triển của các loài tôm cá là bãi đẻ, nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn của các loài tôm cá. Nên khi rong giảm đã. Vì vậy, khi trữ lượng rong bị giảm đã tác động tiêu cực đến tôm cá trên sông Hương.

Đồng thời, thủy điện đã ngăn chặn đường di chuyển của một số loài như cá chình. Địa mạo lòng sông bị thu hẹp. Một số loài gần như biến mất như cá mõm, cá bọp, cá láu vảy và một số loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Xanh, cá Lấu, cá Chình đã giảm đi hơn 90 % so với trước đây.

Thủy điện Bình Điền: Lợi bất cập hại
Nhiều yếu tố ảnh hưởng không tốt đến môi trường tự nhiên và xã hội do thủy điện này gây ra đặt một câu hỏi cho các cơ quan chức năng cần phải xem xét sau này

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Hương bị thiệt hại nặng nề. Hiện tượng cá chết hàng loạt, các lồng nuôi cá được làm củi đốt vì nuôi cá đã không còn hiệu quả. Tại thôn Thọ Khương và Ngọc Hồ thuộc phường Hương Hồ, tổng cộng có 80 lồng nuôi cá, ếch nhưng sau 2009 chỉ còn 4 lồng với 3 hộ nuôi, 7 lồng đang bỏ trống, còn những lồng khác người dân đã làm củi đun hoặc để trôi trên sông Hương. Các lồng còn nuôi cá cũng bị giảm sản lượng đáng kể với từ hơn 500 con/lồng trước đây còn chỉ 60-70 con/lồng. Theo người dân, từ khi có đập thủy điện, việc nuôi cá trở nên khó khăn hơn, cá chết nhiều hơn. Nguyên nhân là do nguồn nước sông bị ô nhiễm do vệ sinh lòng hồ thủy điện không tốt. Trong năm đầu tiên thủy điện Bình Điền vận hành (2009 - 2010), hầu hết các thủy sản được nuôi trên sông Hương đều bị chết hoàn toàn. Còn những năm tiếp theo thì cá thường chết vào mùa hè. 

Bên cạnh đó, yếu tố xã hội xung quanh hồ thủy điện cũng bị biến đổi nghiêm trọng. Phần lớn các cộng đồng tái định cư ở khu vực nghiên cứu luôn bị rơi vào tình trạng thiếu việc làm, đất sản xuất vừa thiếu vừa kém chất lượng, thiếu nước cho cả sinh hoạt và canh tác, nghĩa là điều kiện sinh kế không bảo đảm.

Các giá trị văn hóa dân tộc bị mai một dần, nghĩa là đời sống tinh thần ngàn đời của họ gần như bị “tước đoạt” bởi sự tất trách, vô cảm của các chủ đầu tư và cuối cùng là nguy cơ bị lề hóa khỏi quá trình phát triển… Những bất cập này không chỉ là hiện tượng đơn lẻ ở một vài khu tái định cư thủy điện - thủy lợi ở thị xã Hương Trà mà là tình trạng phổ biến chung của hầu hết các dự án di dân tái định cư thủy điện trong Tỉnh.

Mặc dù cũng có nhiều cư dân tái định cư nhận được số tiền đền bù giải tỏa không hề nhỏ (có hộ đã nhận được tiền đền bù đến 500 triệu đồng) nhưng do không biết cách tính toán làm ăn, không có sự hướng dẫn cách sử dụng đồng tiền sao cho có hiệu quả nên “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, nghèo khổ vẫn hoàn nghèo khổ.

Đại Dương