TĐC thủy điện Khe Bố: Bi hài cảnh "định cư trước, hạ tầng sau"

(Dân trí) - Dự án thuỷ điện Khe Bố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1793/TTg-CN ngày 7/11/2006, dự kiến thực hiện trong 4 năm. Theo đó, gần 600 hộ với khoảng 2.700 nhân khẩu thuộc 8 xã của huyện Tương Dương phải di dời đến nơi ở mới, nhường chỗ cho lòng hồ.

Thế nhưng, trong quá trình người dân ổn định cuộc sống, điều bất cập đã hiện hữu bởi việc “định cư trước, xây hạ tầng sau” đang khiến cuộc sống người dân ở vùng đất mới gặp không ít khó khăn.

Thiếu hạ tầng cơ bản

Theo kế hoạch, 27 hộ dân thuộc bản Cánh Tráp, xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An) phải di vén lên vị trí cao hơn, cách nơi ở cũ khoảng 2km. Đây là điểm tái định cư do nhân dân lựa chọn địa điểm xây dựng nhà và nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ san nền, mặt bằng. Tuy nhiên đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ khi hộ dân đầu tiên chuyển đến tái định cư tại điểm này, nhiều hạng mục hạ tầng cơ bản như đường giao thông, nước sinh hoạt... vẫn chưa được xây dựng.

Chị Lương Thị Thảo - một hộ dân thuộc điểm tái định cư bản Cánh Tráp (xã Tam Thái, huyện Tương Dương) - ngán ngẩm: “Tôi đến từ tháng 12/2011 nhưng điện mới có hơn 1 tháng. Khổ nhất là không có nước, phải tự đào giếng nhưng cũng không có nước sạch, phải đến chỗ ở cũ lấy về, xa lắm. Đường cũng không có mà đi, mấy ngày mưa vừa rồi đi lại khổ lắm. Ở nhà cũ mình tiện hơn, bằng phẳng, xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh cũng dễ, đất lại tốt. Qua đây đất không đủ dựng nhà, các hộ lại ở sát nhau, không hợp với phong tục người Thái. Nhà vệ sinh thì làm trên đồi cao, người già có đi lại được mô. Ở đây muốn trồng cái chi cũng khó”.

Chị Thảo nói trâu bò của gia đình cũng phải cột ngoài đồi chứ không biết xây chuồng ở đâu; tiền đền bù đất cũng chưa có. 

Ông Lương Thanh Tiến - Trưởng bản Cánh Tráp cho biết: “Ở điểm tái định cư Cánh Tráp chúng tôi có 16 hộ dân đi theo dự án và 11 hộ tự nhận tiền rồi tự chọn địa điểm dựng nhà theo hình thức di vén. Hiện cuộc sống của bà con chưa ổn định. Ngoài diện tích đất ở chưa đáp ứng nhu cầu của bà con, hệ thống đường giao thông, nước... chưa xây dựng thì nguy hiểm hơn nữa là tình trạng sạt lở rất cao. Đợt mưa vừa qua đã có 2 hộ ông Bảy và ông Thân bị mái ta luy sạt lở vào nhà”.

Trong khi đó, cuộc sống bà con dân bản tại điểm tái định cư thuộc bản Định Phong (xã Tam Đình) cũng rất khổ sở vì thiếu các hạng mục hạ tầng cơ sở. Điểm tái định cư này được bố trí 3 cụm với 71 hộ dân và khoảng 285 nhân khẩu. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn rất ngổn ngang, không nước sạch sinh hoạt, không điện, không nhà văn hoá, không nhà mẫu giáo và hệ thống đường giao thông nội vùng còn quá sơ sài.

Bà Hà Thị Hương - Trưởng bản Định Phong - than thở: “Hộ vào sớm nhất là từ cuối năm 2010, hộ mới vào cũng 2 tháng rồi. Hiện tại đất nền để dựng nhà không đủ, nhiều hộ phải mua thêm. Điểm tái định cư này nằm cuối con suối nên rất ô nhiễm, biết thế nhưng không lấy nước ở đó uống thì cũng không biết mần răng. Điện sinh hoạt thì đang phải mua dây kéo từ chỗ ở cũ về dùng tạm”.

Cũng theo trưởng bản Hương, tại điểm tái định cư này có 17 cháu mẫu giáo nhưng phải mượn nhà dân chứ chưa có điểm trường. Nguy nhất là tình trạng sạt lở, mới đây có mấy hộ đến kêu vì đất nền sụt lún, mái ta luy núi sau nhà nứt nẻ vì mưa nhiều quá.

Đang tập trung giải quyết

Theo báo cao từ UBND huyện Tương Dương, đến thời điểm này đã có khoảng gần 400 hộ dân với hơn 1.700 nhân khẩu vùng lòng hồ Thuỷ điện Khe Bố về tái định cư nơi ở mới và khoảng 200 hộ khoảng 900 nhân khẩu chưa di dời.

Các hình thức tái định cư rất đa dạng, như các hộ dân tự di chuyển theo quy hoạch, di chuyển theo hình thức tự tìm nền, tự mua nhà, hoặc vào các khu tái định cư mà Nhà nước xây dựng sau khi có ý kiến của nhân dân... Theo quyết định 4027 ngày 18/8/2009 của UBND tỉnh Nghệ An, mỗi hộ được cấp 200m2 đất ở và đất sản xuất nông nghiệp được giao căn cứ theo nhân khẩu sản xuất nông nghiệp và bằng mức đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người của nơi tái định cư.

Một quy trình bắt buộc là khi bố trí khu tái định cư cho nhân dân thì tất cả các hạng mục hạ tầng cơ bản phải hoàn thành trước khi đưa dân đến nơi ở mới. Thế nhưng theo ghi nhận của PV cũng như phản ánh của người dân thì các điểm tái định cư ở bản Cảnh Tráp, Định Phong và nhiều điểm tái định cư khác lại ngược lại.

Ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho rằng: “Đường dự án chậm là do không làm theo dự án mà chờ điều chỉnh để xây dựng theo chuẩn mô hình nông thôn mới rộng 3m, xã giải phóng mặt bằng và không có đền bù. Nước sinh hoạt thì đang thi công đường ống ở giai đoạn 1 được 3km”.

Ông Tân cũng cho biết thêm ở xã Tam Thái có 3 bản phải di dời dân là Tân Hợp, Cánh Tráp và bản Lủng với 88 hộ, 400 nhân khẩu. Hiện chỉ có tiền đền bù đất chưa có còn các chế độ, hỗ trợ như thuốc, lương thực, tiền hỗ trợ sản xuất của năm 2012 đã làm xong. Còn các hạng mục hạ tầng cơ sở thì chúng tôi sẽ phối hợp với trên để sớm hoàn thành cho dân.

Về sự chậm trễ xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ sở, trong khi dân bản đã định cư và đang dần ổn định cuộc sống, ông Trịnh Minh Châu - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Một số hạng mục hạ tầng cơ sở chậm là có lí do. Vì trước hết là mất nhiều thời gian, huyện và dân mới chọn được địa điểm tái định cư. Việc xây dựng đường sẽ chờ lúc nào dân xây dựng nhà cửa xong mới làm và làm theo tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống nước như ở Cánh Tráp sẽ thiết kế dùng chung cho mấy bản nên phải làm lâu. Ở Định Phong chỉ 1/3 dân còn phản ánh nhưng 2/3 dân đã đồng ý đào giếng, bởi đưa nước bằng đường ống quá xa và sợ lũ quét làm hư hỏng. Nhà văn hoá, điểm trường mầm non ở Định Phong - Tam Đình là chậm tiến độ do có vướng mắc nhưng nay đã thống nhất xong và đang chuẩn bị làm. Riêng tiền đền bù đất, chúng tôi sẽ chi trả sau khi dân ổn định cuộc sống và các bộ phận thống kê, cân đối diện tích giữa nơi ở cũ và nơi ở mới”.

Ông Châu khẳng định: “Chúng tôi vừa thiết kế vừa xây dựng cho phù hợp. Chúng tôi làm theo quy trình và được sự đồng tình của dân. Trách nhiệm và mục tiêu của huyện là sẽ làm cho nhân dân có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ nên chúng tôi sẽ tập trung quyết liệt, khắc phục thiếu sót và sớm hoàn thiện các hạng mục cộng đồng tại các điểm tái định cư”.
 

Được biết, dự án Thuỷ điện Khe Bố được xây dựng trên dòng sông Lam thuộc địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An) có công suất 100MW, tổng mức đầu tư 2.500 nghìn tỷ đồng do công ty Cổ phần phát triển Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư thuộc công trình cấp II nhóm A. Công trình nhằm khai thác thuỷ năng trên sông Lam để phát điện lên lưới điện, góp phần điều tiết dòng chảy đảm bảo yêu cầu cấp nước và giảm thiểu chống lũ ở hạ du.

Có 7 xã, thị trấn phải di chuyển do bị ngập nước là Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Thạch Giám, thị trấn Hoà Bình, Xá Lượng và Yên Thắng. Cơ quan tư vấn đã lập 4 phương án tái định cư để lựa chọn và thống nhất phương án bố trí tối đa các khu Tái định cư tập trung trên địa bàn huyện Tương Dương.

Vị trí và hình thức TĐC tập trung xen ghép và di vén. Các xã Tam Đình có 4 bản di vén tập trung tại bản; Tam Thái có 4 bản tập trung di vén tại xã, riêng bản Tân Hợp TĐC ở Tùng Hương (Tam Quang); Yên Thắng có hai bản TĐC tại Khe Chon; xã Thạch Giám có 5 bản di vén và xen ghép tại bản; thị trấn Hoà Bình tập trung ở khu Vườn Xoài; xã Xá Lượng xen ghép tại các bản trong xã. Dự kiến công trình sẽ bắt đầu tích nước vào 30/10/2012”.

Một số hình ảnh khu tái định cư thủy điện Khe Bố:

Con đường vào khu tái định cư cũng như các hộ dân phải ở trên cao.
Con đường vào khu tái định cư cũng như các hộ dân phải ở trên cao.

Con đường vào khu tái định cư cũng như các hộ dân phải ở trên cao.
Nhà dân ở bản Định Phong xã Tam Đình chênh vênh bên sườn núi rất dễ xảy ra sạt lở và đã bị nứt nẻ nền.

Con đường vào khu tái định cư cũng như các hộ dân phải ở trên cao.
Ông Lương Thanh Tiến - Trưởng bản Cánh Tráp xã Tam Thái, huyện Tương Dương - chỉ chỗ sạt lở ở một nền đất của khu tái định cư.
Hệ thống điện bản Định Phong, xã Tam Đình còn rất sơ sài.
Hệ thống điện bản Định Phong, xã Tam Đình còn rất sơ sài.

Nền nhà đã bong tróc...
Nền nhà đã bong tróc...

Thanh Hải - Nguyễn Duy