Kết luận vụ lùm xùm bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ ở Thanh tra Chính phủ

(Dân trí) - Bộ Nội vụ phát hiện Thanh tra Chính phủ có 1 quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ không ghi thời hạn giữ chức vụ; 3 trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm so với quy định của Chính phủ và 2 trường hợp điều động, bổ nhiệm ngang cấp tại 2 đơn vị vượt quá số lượng cấp phó so với quy định.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ ở Hà Nội (Ảnh: Thế Kha)
Trụ sở Thanh tra Chính phủ ở Hà Nội (Ảnh: Thế Kha)

Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ vừa có thông báo Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2016 của Thanh tra Chính phủ.

Kết luận cho biết, trong khoảng thời gian trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 48 trường hợp (năm 2015 là 33 trường hợp và năm 2016 có 15 trường hợp), gồm 15 trường hợp cấp Vụ và tương đương, 33 trường hợp cấp Phòng.

Ngoài ra còn điều động bổ nhiệm ngang cấp 9 trường hợp, gồm 8 trường hợp cấp Vụ và tương đương, 1 trường hợp cấp Phòng; bổ nhiệm lại 21 trường hợp, gồm 16 trường hợp cấp Vụ và tương đương, 5 trường hợp cấp Phòng; kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu 4 trường hợp, gồm 2 trường hợp cấp Vụ và tương đương, 2 trường hợp cấp Phòng.

Bộ Nội vụ cho rằng Thanh tra Chính phủ đã áp dụng các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế của Thanh tra Chính phủ để thực hiện quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý trong từng giai đoạn và thực hiện trình tự, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đã phát hiện 1 quyết định điều động, bổ nhiệm không ghi thời hạn giữ chức vụ; 3 trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại chậm so với quy định tại Nghị định số 24/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Ngoài ra, có 2 trường hợp điều động, bổ nhiệm ngang cấp tại 2 đơn vị vượt quá số lượng cấp phó so với quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 36/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đối với trường hợp được điều động giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, do tính chất công việc đặc thù, phức tạp, Ban Tiếp công dân Trung ương đã báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung thêm 1 Phó trưởng ban để giao phụ trách Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TPHCM; đối với trường hợp được điều động giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực II (Cục II) để thực hiện việc sắp xếp nhân sự chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Thanh tra Chính phủ (được điều động tháng 12/2015, đến tháng 3/2016 chuyển công tác đến cơ quan khác).

Từ đó, Bộ Nội vụ kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện trình tự điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại để khắc phục, thực hiện đúng quy định trong thời gian tiếp theo; không thực hiện việc bổ nhiệm (bao gồm điều động ngang cấp) tại các đơn vị đã có đủ số lượng cấp phó theo quy định.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 7/2016, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề nghị Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và một số cơ quan liên quan kiểm tra cụ thể những thông tin phản ánh liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ “rầm rộ” vào cuối nhiệm kỳ của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Sau đó ít lâu, tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ, ông Hoàng Thái Dương - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ) khẳng định việc bổ nhiệm cán bộ, không chỉ ở Thanh tra Chính phủ mà đối với các bộ ngành khác cũng vậy, được thực hiện theo nguyên tắc tập thể, Ban cán sự Đảng quyết định thông qua quy trình của Nhà nước.

“Chính vì thế trong dư luận nói Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm là chưa chính xác, bởi Tổng Thanh tra chỉ ký bổ nhiệm dựa trên nghị quyết của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ”- ông Dương phân tích.

Theo ông Dương, nếu bổ nhiệm 1-2 trường hợp không đúng thì cũng không thể chấp nhận được.

“6 tháng bổ nhiệm 35 cán bộ là đúng, theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, lấy ý kiến của Ban Thường vụ, nơi cư trú... Thanh tra Chính phủ có 100 đầu mối, đến thời điểm bổ nhiệm hết nhiệm kỳ vừa rồi còn 42 vị trí chưa được xem xét bổ nhiệm. Công tác cán bộ là công tác thường xuyên như cơ thể sống, dựa trên yêu cầu nhiệm vụ, quy định của đảng và nhà nước để tạo điều kiện cho bộ máy hoạt động tốt hơn. Chúng tôi đang phải tiếp tục kiện toàn bộ máy nhà ước, đảm bảo cán bộ liêm chính, hoàn thành các nhiệm vụ được giao”- ông Dương thẳng thắn.

Đến cuộc họp báo diễn ra vào tháng 10/2016, theo ông Hoàng Hưng – Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ) lại cho biết, Bộ Nội vụ đã thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ việc tổ chức, bổ nhiệm cán bộ đang gây ra những lùm xùm trong dư luận ở Thanh tra Chính phủ.

“Bộ Nội vụ đã kết thúc kiểm tra và hiện nay chúng tôi chưa thể công bố được, phải chờ cơ quan chức năng công bố kết quả”- ông Hưng cho hay.

Ông Hoàng Hưng nhấn mạnh, trong quá trình sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ có nhiều cách nhưng những đơn vị thừa thì sẽ không bổ nhiệm thêm. “Trước đây có hơn chục đơn vị thừa nhưng đến nay chỉ có 4-5 đơn vị thừa thôi. Chúng tôi dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành kế hoạch sắp xếp chung ở cơ quan”- ông Hưng quả quyết.

Bên hành lang Quốc hội chiều 2/11/2016, trả lời thắc mắc của báo giới về việc nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bổ nhiệm 35 cán bộ vào cuối nhiệm kỳ đang gây lùm xùm dư luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu lại cho rằng vấn đề này nên để Bộ Nội vụ trả lời. Lý do ông Sáu tránh nói về việc này vì là người trong ngành, thông tin lại liên quan đến người tiền nhiệm, “nói gì cũng dễ không khách quan”.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cũng bác bỏ thông tin về đoàn thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ đã vào cuộc, làm việc với Thanh tra Chính phủ xung quanh vấn đề bổ nhiệm nhân sự trong thời điểm “nhạy cảm” của ông Huỳnh Phong Tranh.

“Không có đoàn thanh tra nào hết còn ai nói thanh tra là sai và anh Tân (Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân - PV) cũng đã nói trên báo rồi” - ông Sáu khẳng định.

Ngày 2/12/2016 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 33/QĐ-BNV thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý của Thanh tra Chính phủ giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2016.

Ông Phan Văn Sáu chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ từ người tiền nhiệm là nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vào giữa tháng 4/2016.

Thế Kha