Quảng Nam:
Hàng trăm bộ đội, dân quân đội mưa rét chuyển nhà cho người dân vùng sạt lở
(Dân trí) - Gần 2 tháng qua kể từ cơn mưa lũ lịch sử đầu tháng 11 làm nhiều ngôi làng ở huyện vùng cao Nam Trà My bị sạt lở dẫn đến chết người, đến nay công tác di dân đến nơi an toàn vẫn đang được thực hiện bởi lực lượng quân đội và dân quân hùng hậu lên đến vài trăm người.
Từ trung tâm huyện Nam Trà My đi xe vào trụ sở xã Trà Vân gần 1 tiếng đồng hồ; từ Ủy ban xã đi một đoạn nữa thì buộc phải xuống xe lội bộ. Con đường vào Khe Chữ (xã Trà Vân) không thể gọi là con đường vì nhiều đoạn bùn đất tới đầu gối, núi non hiểm trở; chỉ đi bộ là an toàn nhất vì xe chuyên dụng 3 cầu mới “bò” vào được.
Thôn 2 và thôn 3 xã Trà Vân (khu vực Khe Chữ) - nơi tan thương bởi mưa bão số 12 hiện vẫn còn ngổn ngang những ngôi nhà bị đất đá vùi lấp. Mưa lớn đã làm cho 144 ngôi nhà của đồng bào Cadong bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Tại đây cũng đã có 4 người chết do sạt lở núi.
Sau khi mưa bão, tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My quyết định triển khai xây dựng khẩn cấp khu dân cư Khe Chữ (thôn 2 và khu dân cư làng TakBuôn, thôn 3 xã Trà Vân) để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai đến nơi ở mới ổn định, an toàn.
Từ nơi sạt lở, lội bộ gần 4 cây số nữa với vào đến khu tái định cư Khe Chữ mới. Cả khu vực rộng lớn giữa núi rừng trùng điệp giờ đây là cả một công trường xây dựng khu tái định cư cho người dân. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, sau khi Khe Chữ bị sạt lở nặng, huyện và tỉnh đã quyết tâm di dời hết những người dân đến khu vực Khe Chữ mới này.
Bộ đội giúp dân vùng sạt lở làm lại nhà mới
Theo đó, huyện đã di dời 98 hộ dân vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở cao đến khu ở mới với tổng diện tích 36ha. “Điều đáng quý là có đến 20 hộ dân ở đây tự nguyện hiến đất để chính quyền xây dựng khu tái định cư cho bà con, họ không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào”, ông Bửu nói.
Ông Hồ Văn Vàng – một trong những người hiến nhiều đất nhất để xây dựng khu tái định cư – khi được PV hỏi ông đã hiến bao nhiêu đất, ông nói không nhớ, chỉ biết là nhiều lắm. “Tôi hiến hết đất rồi, hiện không biết lấy gì sản xuất nhưng bà con có nơi ở mới an toàn tôi vui lắm”, ông Vàng chia sẻ.
Để tiến hành xây dựng khu tái định cư này, tỉnh Quảng Nam đã huy động một lực lượng bộ đội hùng hậu cùng dân quân địa phương túc trực từ sau khi lũ đến nay để giúp bà con di dời nhà cửa, san ủi mặt bằng, làm đường sá…
Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, địa phương đã huy động các lực lượng tại chổ trên 120 người, cùng với lực lượng bộ đội chủ lực trên 250 người bám sát hiện trường từ tháng 11 đến nay. Nhiều ngày trời mưa lạnh dưới 10 độ nhưng không cản được công việc của các anh.
Chia sẻ với PV, Trung tá Trần Văn Chín - Phó Tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My – cho biết, hiện trên công trường gồm lực lượng bộ đội của sư đoàn 315 có 131 người, tỉnh đội 113 người, dân quân 60 người và 7 đồng chí sĩ quan và quân nhân quân sự huyện Nam Trà My túc trực thường xuyên tại đây. Các lán trại của các lực lượng cũng được dựng quanh khu tái định cư này để giúp người dân nhanh chóng đến nơi ở mới an toàn.
Đến nay, tại khu tái định cư này đã có 18 hộ dân vào ở, còn các hộ dân khác đang được tiếp tục di dời nhà cửa, tài sản vào. Lực lượng bộ đội đã dựng lều tạm cho người dân ở trong khi công việc dựng lại nhà cho bà con vẫn đang tiếp tục khẩn trương.
Tại đây, chính quyền địa phương đã chia ra 124 lô đất tái định cư với mỗi lô trên 300m2. Các lô đất này dành cho 98 hộ dân ở vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở cao ở xã Trà Vân, còn lại địa phương sẽ tiếp tục khảo sát để đưa bà con ở những nơi sạt lở khác vào. Không những thế, người dân còn được hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng theo chính sách của nhà nước.
Khu tái định cư này cũng sẽ được xây dựng trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình điện, nước… để phục vụ nhu cầu của bà con.
Ngày 24/12, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp đi khảo sát khu tái định cư này. Ông khẳng định, chủ trương di dời 100 hộ dân trong vùng sạt lở của xã Trà Vân là hoàn toàn đúng đắn, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nơi ở mới ở Khe Chữ này cũng đã được người dân đồng thuận.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Trước tiên là phải đảm bảo nước sinh hoạt và làm ngay trạm biến áp để cung cấp điện cho bà con. Đặc biệt phải cử ngay đội ngũ y bác sỹ túc trực tại đây để kịp thời chăm lo sức khỏe cho bà con và làm sao 100 hộ dân phải có nhà mới trước tết Nguyên đán này. Đây là một nhiệm vụ quan trọng UBND tỉnh và địa phương đang lỗ lực hết sức quyết tâm, sớm đưa cuộc sống của người dân ổn định trước tết âm lịch 2018”.
Công Bính