1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gần 60 hộ dân “bơ vơ” sau trận lũ lịch sử

(Dân trí) - Mặc dù trận lũ lụt lịch sử đã đi qua nhiều tháng, nhưng đến nay, gần 60 hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có đất làm nhà. Hầu hết trong số đó là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn bị sập nhà, phải di chuyển khẩn cấp đến nhà anh em họ hàng, làm lều ở tạm tại sân bóng hoặc ra ở tạm trên hành lang giao thông...

Đợt mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ ngày 10 - 14/10/2017 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Mưa lũ đã khiến hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, nhiều địa phương, người dân phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”.

Trận lũ lịch sử vừa qua khiến nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Bá Thước bị ngập chìm trong nước lũ
Trận lũ lịch sử vừa qua khiến nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Bá Thước bị ngập chìm trong nước lũ

Ngay sau khi lũ rút, các cấp các ngành cũng như các địa phương đã huy động mọi nguồn lực nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp đỡ người dân ổn định đời sống cũng như sản xuất.

Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng kể từ khi cơn lũ đi qua, hàng chục hộ gia đình tại huyện Bá Thước vẫn đang phải sống trong cảnh ở nhờ, ở tạm bằng lều lán giữa mùa đông giá buốt.

Qua tìm hiểu được biết, hơn 2 tháng nay, tại sân văn hóa xã Lũng Cao, có 2 hộ gia đình với 8 nhân khẩu phải dựng lều, lán sinh hoạt tạm bợ; mới đây, tại khu đất đang xây dựng UBND xã Lũng Cao, thuộc địa phận hành chính của thôn Cao, có 4 hộ gia đình dựng nhà tạm để ở...

Do ở tạm bợ nên các gia đình này đều phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn về điện, nước. Lều lán được dựng tạm bợ nên không đảm bảo an toàn trong trường hợp thời tiết xấu. Ngoài ra, việc học tập của các cháu học sinh gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, do điều kiện ở tạm bợ nên các gia đình không ổn định được sản xuất, phần nhiều phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và anh em họ hàng để đảm bảo sinh hoạt tối thiểu.

Cụ Ngân Thị Lá (80 tuổi, ở thôn Trình, xã Lũng Cao) cùng 5 người con và cháu đang phải ở trong lán dựng tạm ở sân nhà văn hóa xã Lũng Cao cho biết, trận mưa lũ vừa qua đã làm đổ sập, hư hỏng toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình cụ. Gia đình thuộc diện khó khăn nên sau khi nhà bị hỏng không có điều kiện khôi phục lại. Hơn nữa vị trí đất ở cũ do có độ dốc cao, dễ xảy ra sạt lở nên phải di chuyển nơi khác.

Hàng chục hộ dân phải dựng lều lán ở tạm
Hàng chục hộ dân phải dựng lều lán ở tạm

Không chỉ hoàn cảnh gia đình cụ Lá, mà nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện Bá Thước cũng chung hoàn cảnh tương tự. Những hộ gia đình này phải sống trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt, học tập của bà con cũng như các cháu học sinh.

Ông Hà Văn Tuất - Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, toàn xã có 10 hộ gia đình bị cuốn trôi, sập hoàn toàn nhà cửa. Hiện có 2 gia đình được anh em họ hàng cho đất, mượn đất và đang tiến hành dựng nhà. Còn lại 8 gia đình khác hoàn cảnh rất khó khăn, chưa có đất dựng nhà, phải dựng lán ở tạm ở sân vận động xã, ở nhờ nhà văn hóa thôn…

Cũng theo ông Tuất, đến thời điểm này, địa phương vẫn chưa nhận được thông tin hay quyết định nào của các cấp về việc quy hoạch đất ở mới cho các hộ gia đình bị sập nhà do mưa lũ vừa qua.

Trước đó, ngày 30/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 13259/UBND-NN về việc bố trí tái định cư cho các hộ dân phải di dời sau thiên tai trên địa bàn huyện Bá Thước. Trong đó, giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, nghiên cứu đề nghị của UBND huyện Bá Thước, có ý kiến đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 10 - 14/10/2017, trên địa bàn huyện Bá Thước đã xảy ra mưa lớn, lũ quét gây ngập úng, làm chia cắt nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện và phá hủy nhiều nhà ở của các hộ dân.

Đã có 211 hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai. Trong đó, 58 hộ dân là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn bị sập nhà, phải thực hiện di chuyển khẩn cấp đến nhà anh em họ hàng, làm lều ở tạm tại sân bóng hoặc ra ở tạm trên hành lang giao thông.

Điều kiện sinh hoạt của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn
Điều kiện sinh hoạt của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn

Trong khi đó, các xã không còn quỹ đất để bố trí, ổn định cho các hộ. Để kịp thời ổn định cuộc sống cho 58 hộ dân nêu trên, trên cơ sở báo cáo, đề xuất của UBND huyện Bá Thước và tình hình thực tế tại các địa phương, Sở NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, đồng ý chủ trương cho chuyển đổi 10.530m2 đất 1 lúa không hiệu quả của các xã sang đất ở để bố trí cho các hộ dân.

Trong đó, xã Lũng Cao chuyển đổi 6.200m2 để bố trí đất ở cho 31 hộ; xã Lũng Niêm chuyển đổi 2.800m2 để bố trí đất ở cho 14 hộ và xã Cổ Lũng chuyển đổi 1.530m2 để bố trí đất ở cho 13 hộ.

Trong khi các cấp, các ngành, đơn vị và chính quyền địa phương có liên quan đang loay hoay với các thủ tục hành chính và việc tìm đất thì người dân phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn đủ bề...

Duy Tuyên