TPHCM:

Đầu tư bến sà lan ở Cát Lái để giảm tải cho đường bộ

(Dân trí) - Năm 2015, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng Cát Lái (quận 2) đạt gần 50 triệu tấn. Trong đó, phần lớn hàng hóa được vận chuyển đến cảng bằng đường bộ đã gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong năm qua, tổng lượng hàng thông qua cảng Cát Lái đạt gần 50 triệu tấn. Trong đó, 90% lượng hàng hóa được vận chuyển đến cảng bằng đường bộ. Theo thống kê, số lượt phương tiện đường bộ vận chuyển hàng hóa đến cảng Cát Lái khoảng 17.000 lượt/ngày đêm, trong đó phương tiện chở container khoảng 13.000 lượt/ngày đêm.

Giao thông quanh khu vực cảng Cát Lái thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài
Giao thông quanh khu vực cảng Cát Lái thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài

UBND TPHCM cho rằng, với lưu lượng phương tiện vận tải quá lớn như trên đã gây áp lực đáng kể đến hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực cảng Cát Lái, gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trong khi đó, TPHCM chủ trương tận dụng lợi thế về đường thủy nội địa để phát triển giao thông vận tải hàng hóa, giảm tải cho đường bộ.

Vì vậy, để giảm áp lực cho giao thông đường bộ, phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa, trong báo cáo gửi Bộ GTVT, UBND TP cho biết đồng ý với Cục Hàng hải Việt Nam việc xây dựng bến sà lan giai đoạn 1 tại khu công nghiệp Cát Lái (quận 2).

Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2014, bến cảng khu công nghiệp Cát Lái được quy hoạch phát triển là cảng tổng hợp với quy mô đến năm 2030 có 5 cầu cảng với tổng chiều dài 1.000m, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 DWT.

Quốc Anh