1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại biểu Quốc hội cảnh báo tỷ lệ nợ công vượt trần

(Dân trí) - Dù số liệu mới nhất về nợ công của năm 2015 chỉ ở mức 61,3% GDP (trong phạm vi cho phép – dưới 65%) nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm, nợ ngân hàng thương mại, nợ đọng xây dựng cơ bản thì “tỷ lệ nợ công đã vượt trần”.

Báo cáo tổng hợp hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 2016 (phiên thảo luận diễn ra ngày 22/10 vừa qua) nêu nhận định khái quát, tỷ lệ nợ công cao và có xu hướng tăng nhanh.

Theo thống kê mới nhất, nợ công của năm 2015 là 61,3% GDP, trong phạm vi của Quốc hội cho phép (dưới 65%). Tuy nhiên, con số này cũng gây băn khoăn về sự an toàn tài chính quốc gia, nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam ngày càng cao, ngân sách chỉ bố trí chi trả một phần, phần thiếu hụt phải vay để đảo nợ.

 

Tổ thảo luận của đoàn Hà Tĩnh, Lai Châu do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì.
Tổ thảo luận của đoàn Hà Tĩnh, Lai Châu do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì.

Trong nội dung về tái cơ cấu đầu tư công, báo cáo của Đoàn thư ký kỳ họp cho biết, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ nợ công cao và có xu hướng tăng nhanh, năm 2015 là 61,3% sắp chạm đến mức trần 65%, nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm, nợ ngân hàng thương mại, nợ đọng xây dựng cơ bản thì tỷ lệ nợ công đã vượt trần.

Các ý kiến này lo ngại tình trạng nợ công tăng nhanh ảnh hưởng đến nền kinh tế, tạo ra áp lực trả nợ ngày càng lớn, nếu không kịp thời giải quyết thì nền kinh tế sẽ bất ổn.

Cũng báo cáo này 1 năm trước, Đoàn thư ký kỳ họp cũng phản ánh ý kiến của một số vị đại biểu cho rằng báo cáo của Chính phủ và UB Tài chính - Ngân sách cần đánh giá lại chính xác hơn nhận định cho là nợ công vẫn ở mức an toàn (64%). Vì nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản thì đã vượt trần.

Về cơ cấu nợ, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong điều kiện tỷ trọng vốn vay ODA của nước ngoài với ưu đãi lãi suất thấp còn rất ít, phải vay trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao hơn dẫn tới áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn, đoàn thư ký kỳ họp phản ánh phân tích của đại biểu.

Kết quả thảo luận tại tổ còn ghi nhận ý kiến cho rằng tiêu chí xác định nợ công chưa rõ, số liệu nợ công trong các báo cáo không thống nhất, chưa minh bạch. Việc xác định mức giới hạn nợ công không thống nhất.

Cụ thể, nhiệm kỳ khóa 11, nợ công ở mức 47-48% thì Chính phủ cho rằng ngưỡng an toàn dưới 50%. Đến nhiệm kỳ khóa 12, nợ công khoảng 57% Chính phủ cũng cho rằng đấy là ngưỡng an toàn. Đến cuối nhiệm kỳ khóa 13, tỷ lệ nợ công lên đến 61,3%, Chính phủ lại cho rằng ngưỡng an toàn là 65%.

Báo cáo dẫn chứng phát biểu của đại biểu: “Bộ trưởng Bộ Tài chính từng giải trình, nếu không vượt quá 60% thì nợ công của Việt Nam an toàn, bây giờ nợ công đã vượt quá 60% thì vẫn cho là an toàn”.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, không thể nhận định là tăng trưởng kinh tế trong khi nợ công vẫn tăng cao. Không nên đánh giá tỷ lệ nợ công qua các chỉ số mà nên đánh giá hiệu quả đầu tư công để quản lý tốt hơn về nợ công. Trong mối liên quan mật thiết đến tình trạng căng thẳng của ngân sách, chi trả nợ công năm 2016 và những năm tiếp theo lớn đáng lo ngại.

Theo một số ý kiến, 2016 cần cơ cấu lại chi ngân sách cho hợp lý theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, giảm dần nợ công. Bội chi ngân sách năm 2016 cần giữ như năm 2015 và ở mức độ ổn định để đến năm 2020 nhỏ hơn 4%.

Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ cấu lại các khoản nợ, thận trọng trong việc vay nợ, đặc biệt là các khoản vay ODA. Năm 2014, 2015 cần giảm tốc độ phát hành trái phiếu Chính phủ để kiềm chế tốc độ tăng nợ công; cần giữ số tuyệt đối về vốn vay để giảm tỷ lệ nợ công/GDP.

P.Thảo