Cấm tiêu thụ cá basa Việt Nam: “Một quyết định đáng xấu hổ”

Xung quanh sự kiện một số tiểu bang tại Mỹ (tiểu bang Alabama, Louisiana và Mississippi) cấm tiêu thụ cá ba sa Việt Nam, Giáo sư William Anderson - tiến sĩ kinh tế học, hiện giảng dạy tại Trường ĐH Frostburg State (tiểu bang Maryland, Mỹ) đã không ngần ngại nhìn nhận đấy là “một quyết định đáng xấu hổ”.

Thưa TS, trước đây Mỹ đã bao giờ có những lệnh cấm như thế (trên một sản phẩm rẻ hơn, ngon hơn và có thể được người tiêu dùng Mỹ thích hơn như cá ba sa VN) chưa?

Chuyện này xảy ra hoài. Mỹ có một chương trình bảo vệ những người sản xuất đường nội địa, bất chấp việc giá đường nội địa đắt gấp ba lần giá đường trên thế giới. Trong trường hợp này, người ta không thể định ra sự khác biệt vì đường chỉ là đường thôi.

Chính phủ của chúng tôi chặn nhiều hàng nhập khẩu bất chấp việc người tiêu dùng mong muốn mua hàng đó. Nên nhớ rằng các rào cản thương mại, được gọi là mang tính chất bảo hộ, thực chất được đặt ra để cướp đi của người tiêu dùng những sự chọn lựa.

Lệnh cấm, theo ông, có chứng minh rằng chính quyền các tiểu bang đó đã đi ngược lại tinh thần “sân chơi bình đẳng” và thương mại tự do không?

Điều đó hoàn toàn chính xác. Là một người tin tưởng thương mại tự do sẽ có lợi nhất cho quan hệ quốc tế, tôi nghĩ rằng lệnh cấm này làm tổn hại đến quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta. Rao giảng “dân chủ” ở nước ngoài nhưng đồng thời chính phủ của chúng tôi lại tiến hành các biện pháp mà cuối cùng làm cho tất cả mọi người phải gánh chịu.

Lệnh cấm này là một hành động đáng xấu hổ. Tôi muốn thấy quan hệ VN - Mỹ phát triển tốt hơn. Và quan hệ tốt hơn có nghĩa là quan hệ cởi mở, là thương mại tự do.

Ai sẽ thiệt hại nhất và ai sẽ được lợi nhất từ lệnh cấm này?

Thiệt hại đầu tiên và rõ ràng nhất là những người nuôi cá ba sa VN. “Tội” duy nhất của họ là nuôi được loại cá mà người ta thích ăn. Thứ hai, người tiêu dùng Mỹ, hoặc ít ra là người tiêu dùng ở Alabama, Louisiana và Mississippi, thiệt hại. Thứ ba, những nhà nhập khẩu cá và các nhà hàng bán cá.

Tuy nhiên tôi tin rằng ngay cả những người nuôi hải sản nội địa Mỹ cũng sẽ phải chịu thiệt hại. Lệnh cấm này có thể làm lợi cho họ chút ít về ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì lệnh cấm lại cản trở không buộc họ phải làm những gì cần làm để ngành của mình trở nên mạnh mẽ, cạnh tranh hơn. Liệu ngành xe hơi có tiến triển như hôm nay không nếu ngày trước ông Henry Ford thuyết phục chính phủ cấm tất cả các đối thủ cạnh tranh của mình?

Xin cảm ơn TS.

Theo Hà Nguyên
Báo Tuổi trẻ