Tăng lương trước hay tăng năng suất lao động?

(Dân trí) - “Từ năm 2007 - 2015, lương trung bình tại VN tăng 1,5 lần. Lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010-2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các khoản chi cho BHXH, BHYT và BHTN cũng tăng theo thời gian”.

Đây là một nhận định của nhóm nghiên cứu công bố trong Hội thảo Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động, vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Văn phòng JICA tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động

Bàn về mối quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (thuộc Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng: Mật độ vốn tác động tới sự thành công của các nhà đầu tư. Khi mức độ vốn cao sẽ đồng thời nâng năng suất lao động lên.

“Nếu chúng ta tăng lương lên, sẽ làm xói mòn mức độ tích luỹ vốn của doanh nghiệp, không giúp tăng năng suất cho người lao động. Như vậy ở đây đã tạo ra một vòng xoáy ngược lại: Người lao động bị kìm hãm vì năng suất thấp” - tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nói.

Vị diễn giải này kỳ vọng: “Chúng tôi muốn phá bỏ vòng xoáy này bằng một quy trình ngược lại. Theo đó, phải có 1 kỷ luật tiền lương từ đầu. Nếu theo để tiền lương tối thiểu cao sẽ khiến các doanh nghiệp rời bỏ Việt Nam”.

Theo đó, giới chủ không tích luỹ được vốn vì phải trả hết tiền cho công nhân và không còn lợi nhuận. Điều này dẫn tới việc không tăng cường máy móc, năng suất không tăng và dẫn tới không tăng lương trong tương lai.

“Chúng tôi muốn tạo một vòng quay ngược lại: Khi giới doanh nghiệp tăng tích luỹ lợi nhuận nhiều hơn thì họ mới đầu tư nhiều hơn và năng suất lao động mới tăng lên. Bản chất để đời sống người lao động tốt hơn là năng suất lao động. Đồng thời, đó cũng là cách để bảo vệ người lao động tốt nhất” - tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nói.

Theo kết quả công bố tại Hội thảo, lương tối thiểu tại VN đã tăng tương đối nhanh trong những năm qua. Giai đoạn 2007-2015, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.

Về mối quan hệ giữa lương trung bình và năng suất lao động tại Việt Nam, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4% trong giai đoạn 2004-2015.


Lương tối thiểu vùng năm 2018 được đề nghị tăng 6,5% so với năm 2017.

Lương tối thiểu vùng năm 2018 được đề nghị tăng 6,5% so với năm 2017.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Trong giai đoạn 2004-2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Nhưng từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động.

Nhóm nghiên cứu cho rằng: Nếu kéo dài mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặt trái của ...bảng lương

Băn khoăn với một số kết quả khảo sát, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, nói: “Năng suất lao động được đưa ra là năng suất lao động nào? Nếu lấy mức tăng trưởng 4,4 % vốn được công bố trước đây thì mới chỉ là năng suất lao động xã hội. Vậy nếu so sánh tiền lương tối thiểu ở khu vực các doanh nghiệp sản xuất - công nghiệp với năng suất lao động toàn xã hội là chưa thỏa đáng”.

Theo ông Mai Đức Chính, nên so sánh tiền lương tối thiểu của ngành sản xuất công nghiệp với năng suất lao động của ngành công nghiệp thì mới hợp lý hơn.

“Về nguyên tắc, tăng tiền lương không thể tăng hơn năng suất lao động. Nhưng vấn đề là so sánh với năng suất lao động của nhóm hay khối cụ thể nào?” - ông Mai Đức Chính nói.

Ông Mai Đức Chính lưu ý một thực tế chưa được báo cáo nêu ra. Đó là tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng thực hiện 2 hệ thống bảng lương.

Cụ thể, một bảng lương tính theo lương tối thiểu để đóng BHXH, một bảng lương là thu nhập thực lĩnh của người lao động. Bảng lương thứ nhất thường thấp hơn bảng lương thứ 2 từ 1-2 triệu đồng. Khoản tiền chênh lệch này được doanh nghiệp chi dưới danh nghĩa tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần, hỗ trợ xăng xe và điện thoại…

“Doanh nghiệp đã trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu đến 1/1/2018, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập, gồm mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác. Khi đó, tiền lương tối thiểu chỉ còn đúng vai trò là “sàn đỡ” cuối cùng để đảm bảo đời sống cho người lao động” - ông Mai Đức Chính.

Vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN chỉ ra một kẽ hở trong việc chưa liên thông dữ liệu đóng BHXH và thuế. Nếu đảm bảo được việc này, tình trạng trốn đóng hoặc đóng thấp hơn mức lương thực của người lao động sẽ giảm xuống.

Cũng theo đại diện Tổng LĐLĐ VN tại Hội thảo, khảo sát của Viện Công nhân công đoàn khảo sát năm 2017 còn cho thấy thực tế: Lương tối thiểu chỉ giúp 16 % người lao động có tích luỹ (khoảng 1 triệu đồng/tháng), 20 % không đủ để sống, đa số còn sống tằn tiện và cực khổ.

“Cứ nói là tăng lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động, nhưng người công nhân vẫn không đủ sống. Họ phải chịu nhiều sức ép từ xã hội: Chi phí cho con cái học hành, chi phí thuê nhà, chi phí cho cho các việc ma chay hiếu hỉ, chi phí sinh hoạt…” - ông Mai Đức Chính nói.

Có nên bỏ lương tối thiểu?

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng: “Trên thực tế vẫn có một số nước không áp dụng lương tối thiểu. Vậy tại sao chúng ta không áp dụng một cơ chế thoả thuận về tiền lương thay cho lương tối thiểu? Khi đó, nếu doanh nghiệp cảm thấy đủ khả năng cạnh tranh sẽ mạnh dạn tăng lương. Người lao động có tay nghề tạo ra năng suất lao động cao sẽ được nhận lương hấp dẫn…Đồng thời, Chính phủ cần tăng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội và giảm bộ máy hành chính để dồn nguồn lực hỗ trợ người lao động.

Hoàng Mạnh