1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sự thật về 4 lao động Quảng Trị bị mất tích ở Lâm Đồng

Rất nhiều người dân tại tỉnh Quảng Trị tin lời quảng cáo tuyển nhân viên làm vườn lương cao, đã khăn gói lên TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) mong kiếm tiền, trang trải cuộc sống. Nhưng không ngờ, một đường dây gồm “cò” và trung tâm môi giới việc làm đã giăng bẫy sẵn, đưa người lao động vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Gia đình của các lao động người Quảng Trị lo lắng vì chưa có tiền gửi vào để “chuộc” người thân. Ảnh: HƯNG THƠ
Gia đình của các lao động người Quảng Trị lo lắng vì chưa có tiền gửi vào để “chuộc” người thân. Ảnh: HƯNG THƠ

Sau khi thông tin “kêu cứu” của gia đình 4 lao động Quảng Trị được chuyển đến cơ quan chức năng, chiều 26.7 PV Báo Lao Động đã có mặt tại Lâm Đồng và tiếp xúc được với Võ Thanh Tú và Hồ Quang Đạt khi 2 người này đang bỏ trốn, vì sợ chủ bắt được nên cả hai phải băng rừng, đi bộ và đang trong trạng thái hoảng loạn.

Hiện, Công an tỉnh Quảng Trị và tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc xác minh vụ việc.

Các lao động còn lại đang ở đâu?

Tú kể, được nhận vào làm đá tại một Cty nước đá tại TP. Đà Lạt. Tại đây, do công việc nặng nhọc, Tú có ý xin nghỉ làm. Chủ cơ sở này nói, nếu nghỉ việc thì phải trả đủ số tiền 2.600.000 đồng (bao gồm tiền xe ôm) để ông chở về Cty Tâm Đức Lộc.

Khi tới Cty, Giám đốc Cty Tâm Đức Lộc nói, nếu không làm nữa thì phải trả 2.400.000 đồng cho Cty thì mới được cho về. Không có tiền nộp, anh Tú đã xin vào làm cho một ông chủ khác tên thường gọi là Đa. Theo đó, anh Tú tự bỏ 500.000 đồng tiền túi và ông Đa bỏ thêm 1.900.000 đồng để đưa Tú về làm việc.

Trong thời gian làm việc, mức lương Tú được trả là 2,4 triệu đồng (làm tốt thưởng 600.000 đồng) nhưng tháng đầu không được nhận tiền, tháng tiếp theo mới nhận và phải trả đủ số tiền 1,9 triệu đồng mà trước đó ông Đa cho mượn.

Cũng tình cảnh tương tự, Hồ Quang Đạt đang làm việc cho ông Đa, nhưng không làm nổi nên anh xin nghỉ. Ông Đa nói, đang giữ của Đạt 570.000 đồng, muốn nghỉ việc thì phải nộp thêm 1,9 triệu đồng mới cho về. Trong thời gian làm việc, ông Đa thu giữ giấy CMND, điện thoại và ví tiền của Đạt. Tại đây, có khoảng 5 người lao động cũng gặp phải tình cảnh như Đạt.

Thông báo tuyển việc làm ở Đà Lạt lừa đảo người lao động. Ảnh: HƯNG THƠ
Thông báo tuyển việc làm ở Đà Lạt lừa đảo người lao động. Ảnh: HƯNG THƠ

Vì không chịu nổi công việc, Đạt và Tú đã quyết định bỏ trốn vào lúc 6h30 sáng 26.7. Sợ chủ phát hiện, hai người đã băng qua đường rừng lên TP. Đà Lạt rồi liên lạc với gia đình. Khi liên hệ với gia đình, người nhà cho biết, phía chủ thuê đã lên trình báo công an địa phương và cho rằng Tú và Đạt đã trộm 2 điện thoại di động hiệu Samsung và 1 cái laptop trị giá trên 10 triệu đồng. Hiện tại, Đạt và Tú rất hoảng loạn và lo lắng, mong muốn được trình diện cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

Riêng Hồ Xuân Cường vẫn giữ được liên lạc với gia đình, hiện tại Cường bị đau chân, không thể kham nổi công việc đang làm. Chủ nơi làm việc cũng yêu cầu Cường phải nộp đủ tiền, mới được thả cho về quê.

Nộp tiền “chuộc”

Vừa bước xuống chuyến xe đường dài, Phạm Bá Hợp (SN 1999, trú tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) đã lập tức đến trình báo với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị về việc “4 lao động Quảng Trị mất tích tại tỉnh Lâm Đồng” xôn xao mạng xã hội 2 hôm nay.

Hợp kể, thấy có tờ rơi cần tuyển người làm vườn chăm sóc hoa ở TP. Đà Lạt với mức lương 6 triệu đồng/tháng (bao ăn ở, có xe đưa đón miễn phí) của Cty CP Hoa Việt (số 4 Trần Hưng Đạo, TP. Đà Lạt) kèm số điện thoại 0987.193.884, nên đã liên hệ và cùng 3 thanh niên ở xã Hải Lệ đăng ký đi làm. Ngày 22.7, Hợp cùng 3 thanh niên là Võ Thanh Tú (SN 1996) và Hồ Quang Đạt (SN 1996) và Hồ Xuân Cường (SN 1987) lên một xe ôtô theo chỉ định của bên tuyển người, đến sáng 23.7 thì được chuyển sang một xe khác rồi di chuyển đến Cty TNHH giới thiệu việc làm và cung ứng lao động Tâm Đức Lộc (khu Thăng Long, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng).

2 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc rất hoang mang và mong muốn được tiếp xúc với cơ quan chức năng. Ảnh: LÂM THAO
2 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc rất hoang mang và mong muốn được tiếp xúc với cơ quan chức năng. Ảnh: LÂM THAO

Tại đây, 4 người trong nhóm của Hợp được gặp các chủ vườn để trò chuyện, nhưng khi được biết mức lương mỗi tháng làm việc không như lời cam kết ban đầu, thì không ai đồng ý ký hợp đồng làm việc. Lúc này, Giám đốc Cty Tâm Đức Lộc lên giọng bảo, không làm việc thì mỗi người sẽ phải trả 1,7 triệu đồng (1 triệu đồng tiền môi giới việc làm, 700 nghìn đồng tiền xe cộ).

Không ai trong nhóm của Hợp có tiền để trả, nên đành chấp nhận ký hợp đồng làm việc 6 tháng, người thì đi nuôi tằm, người chăn nuôi, người làm đá, riêng Hợp thì phục vụ quán ăn với mức lương 3 triệu đồng/tháng (bao ăn ở). Sau khi ký vào hợp đồng, một thanh niên bặm trợn đến thu ví (giấy tờ, 500 nghìn đồng) và điện thoại rồi chở Hợp đến quán phở 268 (đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Đà Lạt) làm việc. Do làm việc quá sức, ăn uống không đảm bảo nên Hợp không trụ được, nên ngỏ ý xin chủ quán nghỉ việc. “Họ bảo mua em từ Cty Tâm Đức Lộc về làm với giá 2.550.000 đồng, muốn về thì nộp đủ tiền chuộc” - Hợp nói.

Mượn được điện thoại của một người làm, Hợp gọi về cho gia đình ở Quảng Trị xin tiền chuộc. Nhận được điện thoại của Hợp, bà Hồ Thị Nga (mẹ Hợp) kiếm đủ tiền, gửi vào nhà một người quen ở Đà Lạt đến nộp cho chủ quán rồi bắt xe cho Hợp về quê. “Sau khi nộp đủ tiền, em được trả lại điện thoại và giấy tờ thì liên lạc được với Tú (đi cùng chuyến với Hợp), mới biết do không có tiền chuộc, nên Tú trốn ra ngoài. Sau đó, em không liên lạc được với Tú nữa thì mới hay Tú bị bên Cty Tâm Đức Lộc bắt được” - Hợp kể.

Tại Quảng Trị, Hợp không phải là trường hợp đầu tiên nộp tiền “chuộc”. Trước đó, vào ngày 15.6.2016, anh L.A.T (thị xã Quảng Trị) cũng lên xe Dũng Yến theo chỉ định của “cò” để vào Đà Lạt làm vườn. Anh T được hứa hẹn mức lương tháng đầu 4 triệu, tháng thứ 2 tăng lên 6 triệu, đến tháng thứ 3 trở đi 8 triệu. Khi vào đến Cty Tâm Đức Lộc, nhân viên Cty khóa cổng lại rồi dồn những người xin việc như anh T vào một phòng, thu giấy CMND. Anh T và mọi người được giám đốc Cty này thông tin mỗi tháng làm việc chỉ được trả lương 2,5 - 3 triệu đồng, công việc rất nặng chứ không phải trồng hoa nhẹ nhàng.

Nghe vậy, có 6 người không đồng ý ký hợp đồng làm việc, thì bị đưa xuống nhà sau và khóa cửa lại. 4 người quê ở Quảng Ngãi được tách riêng ra, còn mỗi anh T và một người quê ở Quảng Bình tên Đệ (SĐT 0961892663). Giám đốc Cty yêu cầu anh T và Đệ mỗi người nộp 1,6 triệu đồng mới được về quê, không thì phải ký hợp đồng làm việc.

“Tôi và anh Đệ không có đồng nào, nên ngỏ ý muốn làm việc 1 tháng để trừ nợ thì bên Cty không chịu, buộc phải ký 6 tháng. Sau một hồi tranh cãi, họ đồng ý nhận của tôi 1 triệu đồng. Tôi gọi về cho vợ ra ngân hàng nộp vào tài khoản Mai Thị Diệu Ái 1 triệu đồng, nhận được tiền họ mới thả ra. Còn anh Đệ cùng phòng với tôi xin ra ngoài bán điện thoại để trả, nhưng họ không đồng ý. Sau khi ra ngoài, tôi cố gắng liên lạc với Đệ nhưng đến bây giờ vẫn không có thông tin gì” - anh T thông tin.

Thượng tá Nguyễn Minh Chiến - Trưởng Công an thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đã nhận được đơn của các gia đình trên và đang phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng xác minh vụ việc.


Theo Báo Lao động