Hơn 30 % chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh là nữ giới
(Dân trí) - “Nhiều chỉ tiêu dự kiến đạt theo yêu cầu đề ra vào năm 2020, như: Tạo việc làm mới luôn đạt tỷ lệ 48% cho lao động nữ, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp/chủ cơ sở kinh doanh năm 2016 đạt 31,6%; tỷ lệ nữ thạc sỹ hiện đạt 43%, tiến sỹ hiện đạt 21%...”
Sáng 9/11, tại Hà Nội, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới thời gian qua.
Cụ thể, 8 chỉ tiêu dự kiến đạt theo yêu cầu của Chiến lược đề ra vào năm 2020: Chỉ tiêu về tạo việc làm mới luôn đạt tỷ lệ 48% cho lao động nữ; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở kinh doanh năm 2016 đạt 31,6%; tỷ lệ nữ thạc sỹ hiện đạt 43%, tiến sỹ hiện đạt 21%; tỷ số giới tính khi sinh: hiện tại là 113 trẻ em trai/100 trẻ em gái...
Trong đó, chỉ tiêu tỉ lệ nữ giới đạt 48 % được giữ ổn định qua các năm. Đồng thời, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở cũng có xu hướng tăng. Cả nước hiện có khoảng 98% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh những điểm đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu 2 chỉ tiêu thực hiện theo nhiệm kỳ 2016 - 2021 không đạt gồm: Chỉ tiêu nữ tham gia các cấp ủy Đảng, đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp và chỉ tiêu lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Đánh giá chung về công tác thực hiện bỉnh đẳng giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra những hạn chế, như: Công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm, việc triển khai còn mang tính hình thức, chưa thực sự quan tâm lồng ghép trong xây dựng chính sách và trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn.
Báo cáo cũng cho thấy, kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia còn hạn chế, số chỉ tiêu quốc gia đạt và vượt còn thấp, số chỉ tiêu không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu và khó đạt còn cao.
Công tác thống kê, báo cáo số liệu có tách biệt giới tính còn đang gặp nhiều khó khăn, chưa được quan tâm đúng mức, số liệu thống kê giới chưa được định kỳ công bố.
Một số Bộ, ngành chưa ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp cơ sở, hoặc đã ban hành song chưa cập nhật, điều chỉnh, bổ sung nên không đáp ứng được yêu cầu về phân tổ theo giới tính; chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê.
Đánh giá về nguyên nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Một phần do sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, Bộ, ngành (nhất là người đứng đầu) chưa thực chất và sát sao, chưa quan tâm đúng mức và dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác bình đẳng giới tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình”.
Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam hơn nữ, hẹp hòi trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã tạo ra những rào cản không nhỏ cho phụ nữ để khẳng định bản thân trong công việc và cuộc sống.
Hoàng Mạnh