"Lương hưu lao động nữ từ 2018: Nên giảm 1% chia đều trong 5 năm"
(Dân trí) - “Phương án điều chỉnh lương hưu đột ngột có thể gây “sốc”. Nên áp dụng điều chỉnh lương hưu của lao động nữ đủ 15 năm đóng BHXH, theo hướng: Từ 1/1/2018, trong 5 năm tiếp theo, lần lượt nhận thêm mức 2,8%; 2,6%; 2,4%; 2,2% và 2% mỗi năm”.
Ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - trao đổi với PV Dân trí về việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu cho lao động nữ theo Luật BHXH.
Vấn đề đang làm "nóng" nghị trường Quốc hội và thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Vì chỉ còn 2 tháng nữa, quy định điều chỉnh lương hưu trong Luật BHXH sẽ có hiệu lực, tác động trực tiếp tới nhiều người lao động nữ.
Theo đó, Luật BHXH đang quy định, lao động nữ đủ 15 năm đóng BHXH sẽ nhận thêm 2 % lương hưu mỗi năm, thay vì 3 % như trước đó.
Điều này sẽ khiến lao động nữ phải mất 15 năm đóng BHXH tiếp sau để nhận được 75 % lương hưu, thay vì chỉ đóng 10 năm như trước để được nhận 75 % lương hưu.
Từng là người tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo về quy định điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ, ông Phạm Minh Huân cho biết, trong dự thảo đề xuất trình Chính phủ khi đó, Bộ LĐ-TB&XH đã dự kiến 2 phương án điều chỉnh cách hưởng lương hưu cho lao động nữ.
“Một phương án như quy định của Luật BHXH hiện nay, tức là lao động nữ được cộng thêm 2 % mỗi năm khi đủ 15 năm đóng BHXH, tính từ 1/1/2018. Trước đó, Luật BHXH năm 2006, quy định 3 %. Phương án thứ 2 là điều chỉnh mức hưởng lương hưu của lao động nữ theo hướng giảm dần trong 5 năm” - ông Phạm Minh Huân nói.
Theo phương án 2, trong 5 năm tính từ 1/1/2018 trở đi, mỗi năm lao động nữ (khi đủ 15 năm đóng BHXH) sẽ lần lượt nhận thêm 2,8%; 2,6%; 2,4%; 2,2% và 2% mỗi năm.
Ông Phạm Minh Huân cho hay, như vậy với phương án thứ 2, phải tới năm 2022, lao động nữ mới có mức điều chỉnh 2% như quy định sắp có hiệu lực của Luật BHXH. “Tôi cho rằng phương án 2 có tính “giảm sốc”, phần nào hạn chế những những phản ứng khi có sự điều chỉnh đột ngột của chính sách tới một số đông lao động trong xã hội”.
Dự đoán tới tốc độ ảnh hưởng, ông Phạm Minh Huân cho rằng nếu áp dụng quy định hiện nay, lao động nữ có 25 năm đóng BHXH là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tới 10 % so với quy định này. Còn những lao động có 30 năm đóng BHXH ít bị ảnh hưởng hơn.
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, lý do của việc điều chỉnh 2 % lương hưu mỗi năm cho lao động nữ có nguyên nhân sâu từ tỉ lệ tích luỹ đang khác nhau giữa lao động nam và nữ.
Với nam giới, lộ trình nâng số năm đóng BHXH từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu, như sau: Năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
Như vậy, cần 5 năm mới có thể đưa mức tăng tỉ lệ đồng đều ở mức 2 % lương hưu cho nam giới. Việc thực hiện lộ trình này sẽ tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng - hưởng.
Trong khi đó, nữ giới dù đang nhận thêm 3 % lương hưu hàng năm, nhưng để giảm xuống 2 % nhằm hướng tới sự bình đẳng về mức đóng - hưởng như nam giới cũng cần có lộ trình.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Minh Huân nhận định, thời điểm này khó có thể bàn tới việc giữ nguyên cách tính lương hưu cho riêng lao động nữ như hiện nay, để áp cho thời điểm sau 1/1/2018.
“Chúng ta đang đi trên con đường cải cách chính sách tiền lương. Luật BHXH bắt đầu đi vào lộ trình điều chỉnh mức lương hưu của cả nam giới và nữ giới. Từ 1/1/2018, nam giới phải có 16 năm đóng BHXH mới nhận 45 % lương hưu. Nữ giới đang theo quy định hiện hành. Nếu dừng việc điều chỉnh của nữ giới nhưng vẫn điều chỉnh của nam giới thì không ổn” - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.
Theo ông Phạm Minh Huân, các cơ quan chức năng có lẽ cần tính tới phương án 2 từng được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất. Người lao động thấy mỗi năm giảm một chút sẽ dễ chấp nhận hơn việc giảm nhiều và đột ngột.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
Đề xuất hoãn tính lương hưu mới cho 21.000 lao động nữ trong năm 2018
Sáng 2/11, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có chia sẻ với báo chí xoay quanh đề xuất của Tổng LĐLĐ VN và một số đại biểu Quốc hội về việc dừng thực dừng khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 về cách tính lương hưu từ 1/1/2018.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH vừa báo cáo Chính phủ về phương án hoãn lộ trình thực hiện cách tính lương hưu mới theo quy định tại Khoản 2, điều 56 Luật BHXH đến năm 2022. Cũng theo phân tích của người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, với cách tính lương hưu tại khoản 2, Điều 56 (Luật BHXH), nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn tới 10 % so với người cùng giới có cùng thời gian đóng BHXH và nghỉ hưu năm 2017. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, nội dung này đã được chính ông phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bàn về bình đẳng giới (tháng 9/2017), Phiên họp của Uỷ ban Các vấn đề xã hội…Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 1/1/2018, sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ và 60.000 lao động nam. Theo cách tính của khoản 2, điều 56 (Luật BHXH năm 2014), nam giới thiệt ít hơn nữ giới có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay. Vì vậy trong 50 nghìn lao động nữ nghỉ hưu sẽ có có khoảng 21.000 lao động nữ bị thiệt, trong số đó có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất khoảng từ 5-10% lương hưu.
P.T