1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Khối doanh nghiệp FDI dẫn đầu với 20 cuộc đình công

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong tháng 2 có tới 29 cuộc đình công lớn, thu hút hàng chục ngàn công nhân trong phạm vi cả nước. Trong đó, đình công trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dẫn đầu.


Công nhân Cty Nissey đình công (Ảnh Ngọc Huân)

Công nhân Cty Nissey đình công (Ảnh Ngọc Huân)

Với 20 cuộc đình công, khối FDI chiếm 68,9 % các cuộc đình công. Các doanh nghiệp dân doanh có 9 cuộc đình công, chiếm 31,3 % các cuộc đình công.

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng nguyên nhân sâu xa của những cuộc đình công trước và sau Tết âm lịch 2016, có thể vì mâu thuẫn trong việc giải bài toán về chi phí và lợi nhuận trong doanh nghiệp.

Theo đó, từ 1/1/2016, quy định điều việc chi trả lương tối thiểu tăng, bổ sung thêm cách tính BHXH của phần phần phụ cấp sẽ tạo| một sức ép không nhỏ tới doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp phải tính toán chi phí trong điều kiện hội nhập, như: Giá cả sản phẩm “đầu ra” đã được ấn định trước đó trên thị trường. Chi phí “đầu vào” tăng lên, nhưng không tăng được chi phí “đầu ra”. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn lợi nhuận và có thể tính tới bài toán “cắt giảm” lợi nhuận. Trong xu thế đó, một số doanh nghiệp thực hiện việc tính toán ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Nếu tính gộp cả tháng 1 và 2, Bộ LĐ-TB&XH ước tính có gần 50 cuộc đình công lớn trong cả nước. Đặc biệt, cuộc đình công tại Cty Pouchen VN tại Đồng Nai đã thu hút tới khoảng 17.000 công nhân.

Cũng theo đánh giá của Tổng LĐLĐ VN, các cuộc đình công sau Tết Âm lịch 2016 có xu hướng tăng so với năm 2015.

Nhằm hài hòa quyền lợi các bên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chính sách về lương, thưởng cần điều chỉnh theo hướng ngày càng đảm bảo quyền lợi, đời sống của người lao động. Mặt khác cũng nên quan tâm tới việc giới chủ phải tính toán bảo đảm lợi nhuận trong tương quan tăng các chi phí khác.

Hoàng Mạnh