Trung Quốc đang nhường sân chơi Triều Tiên cho Nga
Nga vẫn tiếp dầu và đặt vấn đề trung gian hòa giải Triều Tiên, Trung Quốc sẽ nhường nhịn?
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết Trung Quốc, nhà cung cấp nhiên liệu chính của Triều Tiên, trong tháng trước đã không xuất khẩu xăng, nhiên liệu máy bay, dầu diesel sang quốc gia láng giềng.
Trong tháng 11/2017, Bắc Kinh cũng đã ngừng nhập khẩu quặng sắt, than đá hay chì từ Triều Tiên.
Từ tháng 6, Tổng Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã tạm ngừng bán xăng và dầu diesel sang Triều Tiên, do lo ngại Bình Nhưỡng không thể thanh toán các hóa đơn.
Một số nguồn tin nói rằng vẫn không thể xác định được liệu Trung Quốc có tiếp tục bán dầu cho Triều Tiên hay không.
Theo một số hình ảnh vệ tinh được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thu được không cho thấy hoạt động mua bán xăng dầu tại Triều Tiên có điều gì bất thường như: người dân phải chờ đợi để mua dầu vì nguồn cung bị hạn chế, toàn cảnh giao thông ở trong và xung quanh trạm xăng về cơ bản không thay đổi.
Điều này có thể lý giải bởi việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tuyên bố sẽ không cắt hẳn nguồn viện trợ dầu mỏ tới Bình Nhưỡng bởi đó là vấn đề về nhân đạo, người dân ở Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hơn nữa, lượng dầu Nga đang cấp cho Triều Tiên rất nhỏ, chỉ đủ để phục vụ dân sự, còn việc phát triển vũ khí hạt nhân thì cần phải sử dụng một lượng nguyên liệu rất lớn.
Triều Tiên sẽ dùng dầu của Nga hay Trung Quốc để làm hạt nhân?
Nga đã đảm bảo lượng dầu thô cung cấp cho Triều Tiên như đã được nêu trong Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 11/9/2017: cấm Triều Tiên nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở mức 2 triệu thùng/năm và hạn chế nhập khẩu dầu thô ở mức hiện tại.
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt Triều Tiên dồn dập đi tới từ các nước đã từng thiết lập quan hệ, sự ủng hộ của Nga trong một số lĩnh vực thực sự sẽ làm hạn chế các áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc nhường vai trò trung gian cho Nga
Mỹ và Trung Quốc hiện đang được cho là mạnh mẽ thúc đẩy việc chia sẻ thông tin trong trừng phạt Triều Tiên cũng như chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về một số vấn đề liên quan đến Triều Tiên khi Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi 9/11, theo nhiều nguồn tin từ Washington tiết lộ với tờ báo Asahi Shimbun ở Nhật Bản.
Theo đó, ông Tập đã có cuộc hội đàm khoảng 1 tiếng rưỡi với Tổng thống Trump khẳng định Triều Tiên sẽ không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân và các biện pháp gây áp lực sẽ được tiếp tục áp dụng cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Chủ tịch Tập còn nói rằng Trung Quốc sẽ nhất trí tăng cường những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên do Hội đồng Bảo an LHQ thông qua và sẽ thực hiện đầy đủ. Nhằm tăng tính minh bạch về cam kết này, giới chức Trung Quốc phụ trách các lĩnh vực thương mại, hải quan và tài chính sẽ cung cấp đều đặn các báo cáo liên quan cho phía Mỹ.
Hôm 22/12, Trung Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết mới của HĐBA LHQ hạn chế cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có “hành động khiêu khích quân sự”. Đây là kết quả của những cuộc thảo luận giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc muốn theo Mỹ nhường sân chơi cho Nga?
Trong khi Trung Quốc có nhiều động thái công khai về khả năng nghiêng về phía Mỹ (dù thực tế khó xác định điều đó) trong tình hình Triều Tiên thì mọi sự chú ý giờ đây hướng về phía Nga với vị thế là người duy nhất có khả năng đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trước kịch bản chiến tranh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mới đây, phía Nga đã có các phản ứng khá mạnh mẽ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi tuyên bố về khả năng chiến tranh đầu năm 2018 cũng như khả năng mở ra đối thoại là các phát ngôn mâu thuẫn, hung hăng và "không thể chấp nhận được" của nhà lãnh đạo Mỹ.
Dù chỉ trích nhưng ông Lavrov cũng thông báo với phía Mỹ về việc Nga sẽ giúp Mỹ và Triều Tiên đi đến đối thoại từ các hợp tác trước đây của hai nước.
Thậm chí, Thư ký Hội đồng An ninh Nga - Nikolai Patrushev cảnh báo một hành động quân sự toàn diện trên bán đảo Triều Tiên có thể lấy đi mạng sống của khoảng 250.000 người Mỹ đang sống tại Hàn Quốc.
Rõ ràng Mỹ hoàn toàn nhận thức được điều này. Nếu một cuộc chiến quy mô lớn nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, hàng chục ngàn công dân Mỹ sẽ thiệt mạng.
Vị quan chức Nga bình luận, đây là “con số thương vong không thể chấp nhận được trong ngôn ngữ quân sự của mỗi quốc gia”.
Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các trừng phạt của LHQ cùng với tinh thần chuẩn bị một kịch bản chiến tranh ở Triều Tiên với Mỹ, dường như Trung Quốc đang đẩy lại sân chơi này cho phía Nga?
Theo Huy Vũ
Báo đất việt