1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ có thể nhắm tới mục tiêu nào nếu tấn công phủ đầu Triều Tiên?

(Dân trí) - Nếu Mỹ thực sự có ý định tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên thì một loạt các cơ sở vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh phát triển có thể sẽ là mục tiêu mà Washington nhắm đến.

Ảnh chụp Khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên từ trên cao (Ảnh: AFP)
Ảnh chụp Khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên từ trên cao (Ảnh: AFP)

Theo National Interest, cách đây nhiều năm khi muốn gây sức ép với Triều Tiên để buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tính toán đến việc sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon - nơi sản xuất chất plutonium duy nhất của Triều Tiên vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, qua quá trình phát triển suốt một thời gian dài, Triều Tiên được cho là đang sở hữu gần 10 cơ sở vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Do vậy, nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump thực sự có ý định tấn công quân sự để đánh phủ đầu Triều Tiên, Washington sẽ có nhiều lựa chọn cho riêng mình.

Khu thử nghiệm vũ khí hạt nhân Punggye

Khu thử nghiệm vũ khí hạt nhân Punggye trong ảnh vệ tinh (Ảnh: 38 North)
Khu thử nghiệm vũ khí hạt nhân Punggye trong ảnh vệ tinh (Ảnh: 38 North)

Tính đến nay, tất cả 5 vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên đều diễn ra tại khu thử nghiệm vũ khí hạt nhân Punggye. Sức công phá của các vụ thử hạt nhân ban đầu vào năm 2006 vẫn chỉ ở mức thấp, tuy nhiên đến thời điểm năm 2016, hai vụ thử hạt nhân được cho là có sức công phá lên tới 15 - 20 kiloton, tương đương với sức công phá của quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Khu thử nghiệm Punggye không phải là nơi bí mật tại Triều Tiên. Nếu muốn, các nhà quan sát có thể dễ dàng theo dõi các hình ảnh vệ tinh chụp khu vực này và đưa ra các phỏng đoán về việc liệu Bình Nhưỡng có chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân tiếp theo hay không.

Khu thử nghiệm Punggye là nơi được thiết kế rất kiên cố, có thể chịu được sức ép của cả một vụ nổ hạt nhân, do vậy sẽ rất khó để đánh giá chính xác mức độ tổn hại nếu Mỹ tấn công vào khu vực này, ngay cả khi Washington sử dụng những loại bom “khủng” nhất. Punggye được cho là có thể chịu được các vụ thử hạt nhân có sức công phá lên tới hơn 200 kiloton, theo National Interest.

Nhà máy tên lửa Chanjin

Nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng chỉ vài km, nhà máy tên lửa Chanjin, hay còn gọi là Nhà máy Cơ khí Taesong, là nơi chịu trách nhiệm chính trong việc chế tạo các linh kiện tên lửa đạn đạo phức tạp, bao gồm các hệ thống dẫn đường và kiểm soát, của Triều Tiên.

Nhà máy tên lửa Chanjin được cho là nơi chế tạo vật thể hình tròn xuất hiện trong bức ảnh có nhà lãnh đạo Kim Jong-un, được công bố trên các phương tiện truyền thông của Triều Tiên thời gian qua. Vật hình tròn này được cho là một quả bom nguyên tử.

Trạm phóng vệ tinh Sohae

Ảnh chụp vệ tinh trạm phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên (Ảnh: 38 North)
Ảnh chụp vệ tinh trạm phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên (Ảnh: 38 North)

Trạm phóng vệ tinh Sohae nằm ở khu vực tây bắc Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc và là nơi được chọn để phóng thử nghiệm các tên lửa tầm xa. Với vị trí ở khu vực bờ biển phía tây, trạm phóng Sohae sẽ cho phép tên lửa thử nghiệm của Bình Nhưỡng được phóng đi nhưng không bay qua khu vực đất liền của Nhật Bản, tránh xảy ra bất kỳ trường hợp xâm phạm lãnh thổ nào giữa hai nước.

Vụ phóng thử tên lửa tầm xa đầu tiên từ trạm phóng vệ tinh Sohae là vào năm 2012 nhưng đã thất bại. Sau đó, vào các năm 2012 và 2016, Triều Tiên đã phóng vệ tinh từ trạm phóng này và thành công trong việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Khu vực Kusong

Khu vực Nhà máy No 95 (Nhà máy xe tăng Kusong) trong ảnh vệ tinh do 38 North công bố (Ảnh: 38 North)
Khu vực Nhà máy No 95 (Nhà máy xe tăng Kusong) trong ảnh vệ tinh do 38 North công bố (Ảnh: 38 North)

Nằm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng và cách khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon 30 km, Kusong là một tổ hợp công nghiệp quân sự quan trọng của Triều Tiên, nơi có rất nhiều nhà máy sản xuất đạn dược nằm sát nhau. Đây cũng là nơi diễn ra các vụ thử nghiệm đạn nổ với sức công phá lớn từ nhiều năm trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. Gần đây, Kusong là khu vực được sử dụng thường xuyên cho việc thử nghiệm các tên lửa đạn đạo.

Căn cứ hải quân Sinpo

Sinpo là căn cứ hải quân và là xưởng đóng tàu lớn nhất của Triều Tiên, nằm ở bờ biển phía đông của nước này. Tuy nhiên, đây không chỉ là một căn cứ hải quân thông thường, mà là nơi Bình Nhưỡng đang tìm cách phát triển một loại tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Triều Tiên đã thử nghiệm thành công một tên lửa hải quân phóng từ tàu ngầm vào năm 2016. Nếu tiếp tục phát triển chương trình này, Bình Nhưỡng sẽ có thêm năng lực tấn công mới và gia tăng sức mạnh quân sự.

Khu vực Musadan-ri

Khu vực phóng vệ tinh Tonghae của Triều Tiên (Ảnh: DigitalGlobe)
Khu vực phóng vệ tinh Tonghae của Triều Tiên (Ảnh: DigitalGlobe)

Khu vực Musadan-ri, hay còn được biết đến với tên gọi Khu vực phóng vệ tinh Tonghae, là nơi phóng thử tên lửa tầm xa chính ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Khu vực này gắn liền với các vụ thử tên lửa tầm trung Musadan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ thử tên lửa đã được chuyển dần sang khu vực bờ biển phía tây để thử nghiệm. Lý do cho sự dịch chuyển này là vì khu vực phía tây sẽ giúp Triều Tiên quan sát đường đi của các tên lửa tầm xa dễ dàng hơn.

Khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon

Ảnh chụp Khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên năm 2008 (Ảnh: BBC)
Ảnh chụp Khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên năm 2008 (Ảnh: BBC)

Khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, hay còn được gọi là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon, nằm ở phía bắc Bình Nhưỡng là nơi không thể không nhắc đến khi đề cập tới các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Yongbyon đã từng bị chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đưa vào tầm ngắm cho một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên từ năm 1994. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không trở thành hiện thực do các bên nhất trí ủng hộ biện pháp ngoại giao để giải quyết bất đồng. Thỏa thuận giữa hai nước đã dẫn tới việc đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon trong 8 năm.

Yongbyon là nơi cung cấp plutonium chính cho các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, một nhà máy làm giàu uranium với khoảng 2.000 máy ly tâm cũng được đặt tại đây, từ đó cho phép Bình Nhưỡng phát triển các chương trình hạt nhân của nước này.

Khu vực Pyongsan

Pyongsan là nơi có các thiết bị để tinh lọc và xử lý uranium, từ đó cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy làm giàu uranium hoạt động và giúp Triều Tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân.

Ngoài các cơ sở hạt nhân và tên lửa trên, Mỹ cũng có thể nhắm mục tiêu tới các căn cứ không quân của Triều Tiên nếu có ý định tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng. Triều Tiên hiện có khoảng 1.300 máy bay quân sự, trong đó đa số là các máy bay từ thời Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có một số mẫu máy bay hiện đại hơn như MiG-23, MiG-29 và Sukhoi 25. Do vậy, các căn cứ không quân của Triều Tiên có thể trở thành mục tiêu tấn công mà Mỹ có thể tính đến.

Thành Đạt

Theo National Interest