1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khiêu khích trên Biển Đông, Trung Quốc tự chuốc lấy thất bại

(Dân trí) - Việc Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm, cũng như các hành động gây hấn trên Biển Đông là tự chuốc lấy thất bại, khi càng giúp Mỹ và đồng minh có lý do để thắt chặt quan hệ và tăng cường hiện diện trong khu vực.

Chiến đấu cơ J-11 có trang bị vũ khí của Trung Quốc hoạt động trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. (Ảnh: 81.cn)
Chiến đấu cơ J-11 có trang bị vũ khí của Trung Quốc hoạt động trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. (Ảnh: 81.cn)

Đó là nhận định của ông Dennis C. Blair, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ giai đoạn 1999 -2002. Ông Blair cũng từng là giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ giai đoạn 2009-2010.

Trong bài viết được đăng tải trên tờ Washington Post ngày 2/3, ông Blair khẳng định việc Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không, tới hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vừa qua đã làm gia tăng những phân tích mang tính cảnh báo.

Hành động khiêu khích của Trung Quốc đang bị khắc họa như chỉ dấu mang tính bước ngoặt cho thấy Bắc Kinh chuyển hướng sang giành ưu thế quân sự trên Biển Đông. Và điều đó sẽ chỉ dẫn tới thất bại bởi các nước trong khu vực sẽ tăng cường năng lực phòng thủ, đồng thời củng cố hơn nữa quan hệ với Mỹ.

Bình luận trên tờ Washington Post, ông Blair cho biết những hình ảnh vệ tinh chụp khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc lần đầu triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 từ đầu tháng 2.

Đảo Phú Lâm nằm ở khu vực phía bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 400km về phía đông nam, và cách quần đảo Trường Sa khoảng 800km.

Khác với quần đảo Trường Sa nơi nước này đang đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và và xây dựng phi pháp, đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thập niên qua đã bị Bắc Kinh chiếm đóng và xây dựng nhiều công trình quân sự cũng như dân sự. Nhiều trạm radar giám sát, sân bay và nơi cất giấu các máy bay quân sự đã được xây dựng trên đảo này.

Ảnh vệ tinh tố Trung Quốc xây dựng nhiều công trình quân sự trên đá Châu Viên, tại quần đảo Trường Sa. (Ảnh: CSIS)
Ảnh vệ tinh tố Trung Quốc xây dựng nhiều công trình quân sự trên đá Châu Viên, tại quần đảo Trường Sa. (Ảnh: CSIS)

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai các chiến đấu cơ hiện đại tới đảo Phú Lâm, và tiếp tục lặp lại hành động này vài ngày gần đây. Theo Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift, đã ít nhất 3 lần các tên lửa phòng không được Trung Quốc đưa tới đảo Phú Lâm, cho dù những lần trước họ sử dụng các hệ thống không hiện đại bằng. Trong những lần đó, tên lửa được triển khai phục vụ các cuộc diễn tập, và có ý nghĩa khác so với sự kiện mới đây.

Năm ngoái, trong chuyến thăm Washington, Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo đã xây dựng trên Trường Sa. Việc đưa tên lửa cùng các chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm không vi phạm cam kết đó.

Những vũ khí này cũng không thể ảnh hưởng tới bất kỳ lợi ích quan trọng nào của Mỹ trên Biển Đông. Hoạt động tự do đi lại trên biển và trên không của Mỹ không bị đe dọa. Việc triển khai tên lửa cũng không giúp Trung Quốc giành quyền kiểm soát một đảo khác bằng biện pháp phi hòa bình. Động thái này cũng không thể bảo vệ đảo Phú Lâm trước khả năng bị Mỹ tấn công khi xảy ra xung đột hoặc khủng hoảng quân sự.

Vậy vì sao vụ việc lại thu hút chú ý của dư luận? Có hai mối lo ngại lớn quanh hành động của Bắc Kinh: thời điểm và tiền lệ.

Trước hết về mặt thời điểm, cho dù việc điều động chiến đấu cơ và tên lửa phòng không có nằm trong khuôn khổ một cuộc diễn tập được lên kế hoạch từ lâu, hay khởi đầu cho sự hiện diện lâu dài tại đây thì chúng đều đã đi ngược lại cam kết bấy lâu của Trung Quốc về tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tuyên bố chủ quyền đối nghịch trong khu vực.

Đây là hành động mới nhất trong số một loạt hành động trong thời gian ngắn của Trung Quốc đã làm suy yếu và thậm chí đi ngược lại những luận điệu mỹ miều của Bắc Kinh về mục đích của họ. Các quốc gia với ý định hòa bình không mở rộng đảo để xây dựng đường băng có quy mô đủ để đón máy bay quân sự. Họ cũng không xây dựng cảng biển, các cơ sở hạ tầng với tốc độ chóng mặt tại một khu vực trên Biển Đông, và sau đó triển khai các tên lửa và chiến đấu cơ hiện đại tới một khu vực khác.

Hai là về ý nghĩa tiền lệ, nếu Trung Quốc triển khai các khí tài quân sự tới những đảo họ đã bồi đắp, mở rộng trái phép trong quần đảo Trường Sa, nó sẽ phá vỡ chính những cam kết của ông Tập và tạo ra một năng lực kiểm soát vùng trời. Hành động này sẽ làm tăng hoạt động quân sự tại một khu vực trên Biển Đông cách xa biên giới Trung Quốc.

Cuối cùng, có một điểm mà có lẽ các nhà bình luận đã bỏ sót. Những hành động triển khai vũ khí này và phản ứng từ khắp khu vực Đông Nam Á đã cho thấy tính chất tự chuốc lấy thất bại trong chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh.

Với những hoạt động triển khai quân sự mang tính chiến thuật quy mô nhỏ trên những hòn đảo không thể phòng thủ trên Biển Đông, Trung Quốc đang khiến tất cả các bên tuyên bố chủ quyền khác đẩy mạnh hợp tác quân sự và đề nghị được tăng hỗ trợ về an ninh. Trước đó, các nước này đã gia tăng năng lực phòng thủ của mình và quay sang mời Mỹ, Nhật sử dụng các sân bay, cảng biển.

Vị trí chiến lược của Trung Quốc trong khu vực hiện đã suy yếu nhiều so với 6 năm trước, trước khi nước này công bố những chính sách hiếu chiến và ngang ngược. Trong khi đó ở phía bắc, Bắc Kinh đang không thể kiềm chế một Triều Tiên ngày càng khó lường. Hậu quả là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật ngày càng có cơ sở củng cố chính sách an ninh và hoạt động hợp tác.

Điểm đáng chú ý cuối cùng đó là kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc. Khiến họ ít có vẻ của một cường quốc khu vực thành công và tự tin đang hướng tới sự bá quyền, mà giống như đang theo đuổi những chính sách ngắn hạn, lỗi thời gây tổn hại cho các lợi ích quốc gia lớn hơn.

Thanh Tùng

Theo Washington Post