1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điều ít biết về mạng lưới ngoại giao phủ sóng toàn cầu của Nga

(Dân trí) - Moscow đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao quy mô lớn khi hơn 20 quốc gia tuyên bố trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc tại Anh hồi đầu tháng. Liệu điều này ảnh hưởng như thế nào tới mạng lưới ngoại giao Nga ở nước ngoài?

Cha con cựu điệp viên Sergei Skripal - hai nhân vật chính trong vụ căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây (Ảnh: Getty)
Cha con cựu điệp viên Sergei Skripal - hai nhân vật chính trong vụ căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây (Ảnh: Getty)

BBC đưa tin, hơn 20 quốc gia, trong đó có Mỹ và nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã tuyên bố trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga sau khi cáo buộc Moscow có liên quan tới vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc tại Anh hôm 4/3. Tuy nhiên, theo BBC, số nhà ngoại giao bị trục xuất chỉ là một phần nhỏ trong mạng lưới ngoại giao rộng lớn của Nga trên toàn thế giới.

Nga hiện duy trì 242 cơ sở ngoại giao trên toàn thế giới với 143 đại sứ quán, 87 lãnh sự quán và 12 phái đoàn ngoại giao. Mạng lưới ngoại giao của Nga hiện “phủ sóng” tại 145 quốc gia. Theo thống kê Chỉ số Ngoại giao toàn cầu 2017 của Viện nghiên cứu Lowy, xét về quy mô ngoại giao, Nga xếp ở vị trí thứ 4 trên toàn thế giới. Đây là chỉ số xếp hạng các mạng lưới ngoại giao lớn nhất toàn cầu.

Xếp trên Nga về mạng lưới ngoại giao hiện nay là Mỹ, Trung Quốc và Pháp. Trong khi đó Anh đứng ở vị trí thứ 7 với 225 cơ sở ngoại giao trên toàn thế giới. Nga cũng đang tìm cách mở rộng mạng lưới các cơ sở ngoại giao chiến lược của nước này, chẳng hạn gia tăng quy mô của đại sứ quán Nga ở thủ đô Dublin của Ireland.

Hồi giữa năm 2017, Nga đã ra lệnh trục xuất 755 người khỏi các phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Nga để đáp trả các lệnh trừng phạt của Washington sau cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, số lượng nhà ngoại giao Mỹ bị trục xuất trên thực tế thấp hơn, do nhiều nhân viên làm việc trong các cơ sở ngoại giao của Mỹ là người Nga. Họ được tuyển dụng để phụ trách các công việc liên quan tới hành chính hoặc các vấn đề nội địa. Ngược lại, Nga không thuê công dân của nước sở tại làm nhân viên trong các đại sứ quán của Nga ở nước ngoài, có thể vì lý do an ninh.

Đồ họa các nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc (Nguồn: PA Graphic)
Đồ họa các nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc (Nguồn: PA Graphic)

Hiện chưa có con số thống kê chính xác song số nhà ngoại giao của Nga ở nước ngoài ước tính khoảng vài nghìn người. Con số này chưa bao gồm các đặc vụ tình báo ngầm hoặc những nhân viên không được khai báo làm việc bên ngoài các đại sứ quán và lãnh sự quán.

Tại Anh, có 58 nhà ngoại giao Nga nằm trong danh sách chính thức của chính phủ Anh. Sau khi Anh ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Đại sứ quán Nga ở London sau vụ cựu điệp viên Skripal, số nhà ngoại giao của Nga tại đây chỉ còn 35 người. Trong khi đó chỉ tính riêng tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington của Mỹ, đã có tới 116 nhà ngoại giao Nga.

Ngoài Washington, Nga cũng duy trì phái đoàn ngoại giao tại Liên Hợp Quốc ở New York. Phái đoàn này đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động ngoại giao quốc tế của Moscow. Bên cạnh đó, Nga cũng mở 3 lãnh sự quán với khoảng 50 nhân viên ngoại giao cùng hàng loạt phòng văn hóa, thương mại, thông tin, quốc phòng, hải quân, không quân tại Mỹ.

Nga có ngân sách quân sự chỉ bằng 1/10 của Mỹ và chưa bằng một nửa của Trung Quốc nhưng mạng lưới ngoại giao của Moscow được cho là gần tương đương hai nước này. Nga hiện đứng ở vị trí thứ 8 thế giới về dân số và là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới xét theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Hệ lụy sau trục xuất

Các nhà ngoại giao Nga chia tay đồng nghiệp rời khỏi Đại sứ Nga tại London sau lệnh trục xuất của Anh (Ảnh: Getty)
Các nhà ngoại giao Nga chia tay đồng nghiệp rời khỏi Đại sứ Nga tại London sau lệnh trục xuất của Anh (Ảnh: Getty)

Mặc dù lệnh trục xuất tập thể của các nước được cho là không ảnh hưởng nhiều tới mạng lưới ngoại giao toàn cầu của Nga, song việc hơn 150 nhà ngoại giao Nga bị đồng loạt đưa về nước cũng sẽ ảnh hưởng phần nào tới các nỗ lực ngoại giao của Nga ở nước ngoài, đồng thời giảm quy mô của các hoạt động giao lưu thương mại và văn hóa. Quan trọng hơn, việc cắt giảm hàng loạt nhân viên ngoại giao có thể sẽ ảnh hưởng tới năng lực tình báo của Nga ở nước ngoài, ít nhất trong giai đoạn ngắn hạn.

Liên quan tới lệnh trục xuất, các nước được cho là sẽ tìm cách nhắm mục tiêu nhiều hơn tới các đặc vụ tình báo của Nga, thay vì các nhân viên ngoại giao thông thường. Chẳng hạn, Australia hồi đầu tuần đã mô tả 2 nhà ngoại giao Nga tại nước này là "đặc vụ tình báo ngầm" và cho họ 7 ngày để rời khỏi Australia. Trước đó, Anh cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và cũng cáo buộc những người này là đặc vụ tình báo ngầm.

Nga sẽ phải mất một khoảng thời gian để thay thế các nhân sự bị trục xuất về nước, dù cho đó là các nhà ngoại giao làm việc chính thức trong các đại sứ quán - những người được hưởng quyền bảo vệ và miễn trừ ngoại giao theo quy định, hoặc là các đặc vụ tình báo ngầm hoạt động bên ngoài các cơ sở ngoại giao ở nước ngoài. Đối với một nhà lãnh đạo từng là điệp viên tình báo của Ủy ban An ninh Liên Xô (KGB) như Tổng thống Vladimir Putin, việc mạng lưới tình báo của Nga gặp tổn hại cũng là điều đáng lưu tâm.

Không chỉ Nga, các nước trục xuất nhà ngoại giao Nga cũng phải đối mặt với những hệ lụy nhất định, bao gồm việc bị Moscow trục xuất các nhà ngoại giao để đáp trả. Liên quan tới vụ cựu điệp viên, Nga đã trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có 60 nhà ngoại giao Mỹ, và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg. Nga là một trong những nước có diện tích lớn nhất thế giới, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nằm trong nhóm 12 nền kinh tế hàng đầu và là nước đi đầu trong ngành cung cấp dầu và khí đốt. Do vậy, việc Nga trục xuất đại diện ngoại giao của các nước cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của chính các nước này.

Sergei Skripal, 66 tuổi, từng phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Ông Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010. Ông Skripal và con gái bị phát hiện trong trạng thái bất tỉnh trên ghế băng ở bên ngoài trung tâm mua sắm tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3.

Thành Đạt