1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng có thể chuyển hướng sau vụ thảm sát hộp đêm

(Dân trí) - Vụ xả súng kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ tại hộp đêm Pulse ở Orlando hôm 12/6 xảy ra vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang bước vào giai đoạn gay cấn, khiến hai ứng viên chính là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều có thể đưa ra những điều chỉnh về kế hoạch tranh cử, từ đó sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc trong cuộc đua vào cuối năm nay.

Tỷ phú Donald Trump (trái) và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Ảnh: DCWhispers)
Tỷ phú Donald Trump (trái) và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Ảnh: DCWhispers)

Vụ xả súng do Omar Mateen thực hiện tại hộp đêm Pulse của người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida vào rạng sáng ngày 12/6 cướp đi sinh mạng của 49 người và khiến 53 người khác bị thương là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Mặc dù vậy, đây không phải là vụ thảm sát hiếm hoi tại Mỹ, trước đó đã có hàng chục vụ việc tương tự xảy ra với quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Vụ xả súng xảy ra đúng vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ đang bước vào giai đoạn gay cấn khi hai ứng viên đại diện cho 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa ra tranh cử vào tháng 11 năm nay đã gần như chắc chắn. Các chuyên gia nhận định, khi các hành vi khủng bố xảy ra vào giữa năm bầu cử tại Mỹ, các ứng viên chính đại diện cho hai đảng - năm nay dự kiến là tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton - dù muốn hay không đều phải có những điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với tình hình, đồng thời “tranh thủ” dịp này để khẳng định chính sách an ninh quốc gia của riêng mình, từ đó tấn công chính sách của đối thủ và đảm bảo giành lợi thế trong cuộc bầu cử.

Vụ thảm sát tại Orlando cũng không phải là một ngoại lệ. Sau vụ thảm sát, trong khi cảnh sát và các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc thì cả bà Clinton và ông Trump đều nhanh chóng lên tiếng và có những động thái phản ứng tức thì thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đây có thể coi là dịp để hai bên chứng tỏ khả năng và công kích đối phương.

Người dân Mỹ đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân sau vụ xả súng ở hộp đêm Pulse, thành phố Orlando (Ảnh: AFP)
Người dân Mỹ đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân sau vụ xả súng ở hộp đêm Pulse, thành phố Orlando (Ảnh: AFP)

Sự "khoa trương" của ông Donald Trump

Nhiều chuyên gia cho rằng, so với ứng viên đối thủ bên đảng Dân chủ, tỷ phú Trump có vẻ đang nắm giữ lợi thế nhiều hơn. Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS nhận trách nhiệm về vụ việc và Omar Mateen, sát thủ đứng đằng sau vụ thảm sát kinh hoàng, cũng đang được điều tra theo hướng có liên quan tới IS, ứng viên đảng Cộng hòa “tự hào” cho rằng ông đã đúng khi từng đưa ra cảnh báo về mối đe dọa khủng bố từ những tay súng Hồi giáo cực đoan trước đó. Ông Trump cũng không ngần ngại đòi Tổng thống Obama từ chức do không đề cập đến cụm từ “Hồi giáo cực đoan” trong thông điệp gửi tới người dân cả nước sau vụ thảm sát.

Đối với đối thủ Clinton, đây là dịp để ông Trump chĩa mũi tấn công ứng viên đảng Cộng hòa. “Bà Hillary Clinton muốn tăng cường cho phép người tị nạn từ Trung Đông vào Mỹ, có thể là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người trong nhiệm kỳ đầu tiên nếu đắc cử tổng thống, trong khi chúng ta chưa có kế hoạch sàng lọc tất cả những người này, chi trả cho họ hoặc ngăn ngừa một thế hệ cực đoan thứ hai tràn vào nước Mỹ”, ông Trump nói.

Theo giới quan sát, có thể ông Trump sẽ vẫn tiếp tục “vỗ ngực” nói rằng ông đã đúng khi sớm cảnh báo về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, tuy nhiên tình hình hỗn loạn và nỗi sợ hãi về những cuộc thảm sát đang len lỏi trong lòng nước Mỹ sẽ khiến nhiều cử tri đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu có thể đặt niềm tin vào ông Trump, rằng ông sẽ đủ khả năng để gánh trách nhiệm giải quyết những vụ tấn công khủng bố như vậy không; hay liệu ông có đủ kiến thức, khí chất, sự sáng suốt và khả năng lãnh đạo để đưa nước Mỹ vượt qua những cơn chấn động như vậy không.

Theo các chuyên gia, những động thái phản ứng nóng vội và mang tính bản năng của ông Trump ngay sau khi vụ xả súng ở Orlando xảy ra có thể khiến nhiều người cho rằng ông chưa đủ sự tin cậy để được giao trọng trách và quyền chỉ huy quân đội.

Ngoài ra, vụ tấn công ở Orlando là vụ việc mới nhất trong hàng loạt những vụ bạo lực nhằm vào người đồng tính ở Mỹ từ trước tới nay. Trong tương lai, nếu ông Trump đắc cử và vẫn duy trì quan điểm kỳ thị người đồng tính và phân biệt chủng tộc như những phát ngôn ông từng tuyên bố trong quá trình vận động tranh cử, thì những vụ tấn công tương tự ở Orlando có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Nét mặt đau buồn của Tổng thống Obama khi gửi thông điệp tới toàn người dân Mỹ sau vụ thảm sát ở Orlando (Ảnh: Youtube)
Nét mặt đau buồn của Tổng thống Obama khi gửi thông điệp tới toàn người dân Mỹ sau vụ thảm sát ở Orlando (Ảnh: Youtube)

Quan điểm của Hillary Clinton

So với phản ứng quyết liệt và có phần nóng vội của ứng viên đảng Cộng hòa, thái độ của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bình tĩnh và thận trọng hơn sau vụ thảm sát đẫm máu ở Orlando rạng sáng ngày 12/6.

Giống Tổng thống Obama, bà Clinton đã gọi vụ xả súng ở hộp đêm Pulse là hành vi khủng bố và cho rằng nước Mỹ cần “nỗ lực gấp đôi để bảo vệ quốc gia khỏi các mối đe dọa từ cả trong nước lẫn bên ngoài”.

Bất chấp những lời công kích trực tiếp từ phía đối thủ Trump, bà Clinton tuyên bố: “Hôm nay không phải là ngày dành cho chính trị”, đồng thời không đề cập một chút nào tới tên của tỷ phú New York. Theo đó, bà Clinton hối thúc người dân Mỹ từ bỏ tư tưởng lưỡng đảng chính trị, thay vào đó, cả nước Mỹ cần “sát cánh bên nhau” để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.

“Kẻ khủng bố ở Orlando có thể đã chết, nhưng vi-rút đầu độc tư tưởng của hắn vẫn còn sống, chúng ta phải tấn công nó bằng đôi mắt sáng suốt, bằng đôi tay không run sợ, bằng quyết tâm sắt đá và niềm tự hào về đất nước và giá trị của chúng ta”, bà Clinton nói.

Bên cạnh đó, bà Clinton cũng lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế quyền sử hữu súng đạn đối với người dân Mỹ, một quan điểm đồng thuận với chính sách của Tổng thống Obama trong hai nhiệm kỳ tại vị. Bà cho rằng, những giọng điệu chống Hồi giáo mang tích kích động và những lệnh cấm nhập cư sẽ chỉ càng làm tổn thương phần đông những người Hồi giáo chân chính, những người cũng không đội trời chung với chủ nghĩa khủng bố. Quan điểm này được cho là ngầm ám chỉ những chính sách và phát ngôn kỳ thị của tỷ phú Trump đối với người Hồi giáo.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng để nước Mỹ được an toàn thì cần đánh bại các nhóm khủng bố. Theo bà Clinton, chính phủ các nước cần xem xét lại chính sách chống khủng bố của mình, đồng thời kêu gọi Mỹ hợp tác với các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng sự thận trọng của bà Clinton có thể sẽ trở thành mục tiêu tấn công của đối thủ Donald Trump. Những gì ông Trump từng tuyên bố cho thấy, ông và các thành viên khác của đảng Cộng hòa sẽ lấy chính vụ thảm sát ở Orlando làm bằng chứng để cáo buộc chính phủ của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ chưa đủ mạnh tay trong cuộc chiến chống IS và các phần tử khủng bố.

Tờ Washington Post nhận định, sau tất cả, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người dân Mỹ. Họ sẽ chọn một Donald Trump khoa trương như một giải pháp để cứu vãn thế giới đầy bất ổn, hay sẽ chọn một Hillary Clinton thận trọng với phong cách lãnh đạo quen thuộc. Mọi chuyện sẽ ngã ngũ sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Khu vực xảy ra vụ thảm sát ở Orlando (Đồ họa: NewYork Times)
Khu vực xảy ra vụ thảm sát ở Orlando (Đồ họa: NewYork Times)

Thành Đạt

Tổng hợp