Các cuộc chiến pháp lý quốc tế về biển đảo - Kỳ 3
55 hòn đảo, vùng biển xung quanh đẹp như mơ, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, nước trong veo với những dải san hô ngầm tinh khôi chưa ai động chạm đến.
Đảo Diego Garcia - hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Chagos.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1973, Anh đã trục xuất toàn bộ 2.000 dân trên quần đảo Chagos và thành lập một căn cứ hải quân trên hòn đảo lớn nhất Diego Garcia và cho Mỹ thuê.
Từ khi giành độc lập từ người Anh năm 1968, Mauritius đã tuyên bố chủ quyền với quần đảo Chagos. Tuy nhiên, vào ngày 1/4/2010, Anh đã thông báo kế hoạch thành lập khu bảo tồn biển (Marine Protected Zone) rộng 210.000 km2 xung quanh quần đảo Chagos, biến nơi này thành khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới, cấm mọi hoạt động đánh bắt cá, khai thác san hô, săn rùa biển cũng như thăm dò, khai thác dầu và khí đốt.
Kế hoạch này được 9 cơ quan khoa học và môi trường lớn nhất thế giới ủng hộ. Hơn 275.000 người từ 200 quốc gia đã ủng hộ chính phủ Anh bảo vệ toàn diện quần đảo Chagos và vùng nước xung quanh. Nhưng người dân từng sống ở Chagos cho rằng các nhà môi trường đã bị chính phủ Anh lợi dụng tiếng nói để lấy cơ sở thành lập khu bảo tồn biển.
Điều này có nghĩa là người dân từng sống ở Chagos sẽ không còn đường trở về quê hương vì sẽ không còn kế sinh nhai. Roch Evenor, thư ký Hiệp hội ủng hộ Chagos, người rời hòn đảo khi mới 4 tuổi, bức xúc: “Đây sẽ là một điều bất công về mặt tự nhiên. Lúc đó, ngay cả đến lũ cá sẽ có nhiều quyền lợi hơn người dân Chagos chúng tôi”.
Khoảng 4.000 dân sống trên quần đảo Chagos đang sống lưu vong ở Anh, các khu vực thuộc Mauritius và một số nơi khác. Họ đã đấu tranh suốt 20 năm qua tại các tòa án Anh để đòi quyền trở về quê hương. Năm 2000, dường như thành công pháp lý sắp đến với họ khi Ngoại trưởng Anh bấy giờ Robin Cook đã quyết định ủng hộ người dân Chagos. Tuy nhiên, sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 vào nước Mỹ, chính phủ Anh đã đảo ngược quyết định của ông Cook và vụ kiện của người dân Chagos cứ “lang thang” khắp tòa án này đến tòa án khác.
Kế hoạch của Anh bị chính phủ Mauritius coi là “hành động ngạo mạn đế quốc gây sốc”. Ngày 20/12/2010, Mauritius đã nộp đơn kiện Anh về tính hợp pháp của khu bảo tồn biển theo điều 287 và phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Cơ sở mà Mauritius đưa ra gồm: Thứ nhất, Anh không có quyền tuyên bố khu bảo tồn biển xung quanh quần đảo Chagos vì không phải là nước gần biển liên quan tới những hòn đảo này. Thứ hai, cách thức mà Anh thành lập khu bảo tồn biển trái với điều 300 của UNCLOS về thiện chí. Thứ ba, Anh đã vi phạm nghị quyết 1514 của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1960, theo đó cấm phân tách lãnh thổ của các nước thuộc địa trước khi các nước này giành độc lập.
Vụ án được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Lay Haye, Hà Lan tiếp nhận. Phán quyết của PCA mang tính bắt buộc phải thực hiện với các bên tham gia vụ kiện. Do đó, cả Anh và Mauritius đều dốc sức cho vụ kiện quan trọng này. Phiên tòa kín gần đây nhất diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/4/2014. Nó quan trọng đến mức đích thân tổng chưởng lý Anh, ông Dominic Grieve QC, đứng ra làm người bảo vệ cho lý lẽ của Anh về khu bảo tồn biển quanh quần đảo Chagos. Ngoài ra, Anh và Mautirius cũng thuê nhiều luật sư giỏi để bảo vệ mình trước tòa.
Nhận định về vụ kiện trong khuôn khổ UNCLOS này, một số chuyên gia cho rằng lợi thế có thể nghiêng về Mauritius. Nước này đã đăng ký thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc, trong khi Anh chưa nộp đơn và giờ không còn thời gian để đăng ký. Hi vọng của Anh là thuyết phục 5 trọng tài xử vụ này đưa ra phán quyết rằng họ không có đủ thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, hội đồng trọng tài đã bác bỏ điều này.