1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Báo Nhật: Doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng xa lánh Trung Quốc

(Dân trí) - Kết quả cuộc thăm dò chung do hãng Nikkei phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) công bố ngày 28/9 cho thấy các công ty Nhật Bản không còn coi Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho đầu tư.


Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Getty)

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Getty)

Cùng với tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế thời gian qua, chính sách an ninh quốc gia "hung hăng" của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các công ty Nhật Bản có xu hướng chuyển đầu tư khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Khoảng 80% người tham gia cuộc thăm dò cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chỉ đạt dưới 3% trong 10 năm tới, trong khi có 34% số người tham gia cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ rơi vào mức tiêu cực.

Cuộc thăm dò được thực hiện trực tuyến đã đưa ra câu hỏi cho khoảng 2.800 người ở độ tuổi khoảng 20 và đang làm trong lĩnh vực tư nhân. Đây là lần thứ ba Nikkei kết hợp với CSIS khảo sát hoạt động đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung Quốc liên tục giữ vị trí là điểm đến số 1 cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản, trừ năm 2013, thời điểm Thái Lan tạm soán ngôi. Tuy nhiên, khi được hỏi nền kinh tế đang nổi nào mà các công ty Nhật Bản muốn đầu tư nhất vào lúc này, có 50% số người tham gia lựa chọn Ấn Độ và 38% chọn các quốc gia thành viên ASEAN, trong khi chỉ có 4% số người tham gia cuộc thăm dò nhắc tới Trung Quốc.

Theo đánh giá, các công ty Nhật Bản đã bắt đầu tìm kiếm những địa điểm thay thế cho Trung Quốc. Trong khi có 26% người tham gia cuộc thăm dò cho rằng vai trò quan trọng của Trung Quốc sẽ không thay đổi hoặc gia tăng trong tương lai thì có tới 54% số người được hỏi cho rằng "tầm quan trọng của Trung Quốc sẽ giảm ngay khi các thị trường đang nổi khác có được tốc độ tăng trưởng tốt".

Khi được hỏi đâu là chiến lược tốt nhất cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, kết quả cho thấy có 55% người được hỏi cho rằng các công ty này nên rút hoặc giảm dần các hoạt động ở Trung Quốc.

Việc các công ty Nhật Bản thiếu niềm tin vào khả năng hoạt động trong tương lai ở Trung Quốc có nguyên do xuất phát từ quan điểm của họ về những chính sách lãnh đạo ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Khi được hỏi "Bạn đánh giá thế nào về chính sách đối với Nhật Bản của chính quyền Trung Quốc hiện nay?", có tới 56% người tham gia cho rằng "đó là chính sách khó khăn và đối địch", trong khi có 39% nói rằng "khó định nghĩa chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản", và chỉ 3% nói chính sách hiện nay là "thân thiện và hiện đại".

Ngoài ra, các công ty Nhật Bản cũng có cái nhìn rất khác về Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), dự án được đánh giá là chiến lược để Trung Quốc thiết lập trật tự mới trong khu vực. Có tới 59% người tham gia cuộc thăm dò cho rằng Nhật Bản không cần trở thành thành viên của AIIB, trong khi 39% số câu trả lời cho rằng Tokyo có thể giữ tư cách quan sát viên.

Về chính sách an ninh quốc gia của Trung Quốc, tỷ lệ người cho rằng "Nhật Bản nên tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ để đối phó tốt hơn với Trung Quốc" đã giảm từ mức 54% trong cuộc thăm dò trước xuống mức 48%. Trong khi đó, tỷ lệ đồng ý rằng Nhật Bản nên tăng cường sức mạnh phòng vệ để giảm phụ thuộc vào Mỹ đã tăng từ 21% lên 26%.

Đánh giá về kết quả thăm dò trên, Giáo sư Shin Kawashima, người đang làm việc tại Đại học Tokyo, nói: "Thật thú vị khi chứng kiến không chỉ sự can dự của Nhật Bản với Trung Quốc mà cả sự can dự với Mỹ và liên minh Nhật - Mỹ cũng đang thay đổi".

Ngọc Anh

Theo Nikkei