Foxconn hoàn tất thương vụ thâu tóm Sharp với giá “rẻ mạt”

(Dân trí) - Một tháng sau khi bị trì hoãn, thương vụ hãng công nghệ Đài Loan Foxconn mua lại Sharp đã chính thức được thông qua với mức giá chỉ 3,5 tỷ USD, thay vì 6,2 tỷ USD như dự kiến ban đầu. Đây được xem là mức giá “rẻ mạt” cho hãng công nghệ có bề dày lịch sử như Sharp.

Cuối tháng 2 vừa qua, Sharp cho biết đã chấp thuận lời đề nghị mua lại của Foxconn với giá 6,2 tỷ USD và thương vụ đã chính thức hoàn tất, tuy nhiên chỉ một ngày sau, Foxconn đã đính chính thông tin này và cho biết tạm ngưng thương vụ với Sharp vì những lo ngại về tài chính mà Sharp đang phải đối mặt.

Một tháng sau khi thương vụ tạm ngưng, cả Foxconn lẫn Sharp cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về thương vụ này, nhưng Foxconn sẽ phải chi ra số tiền 389 tỷ Yên (tương đương 3,5 tỷ USD) để thâu tóm Sharp, thay vì 700 tỷ Yên (6,2 tỷ USD) như thông tin được phía Sharp đưa ra cách đây một tháng.

Thương vụ Foxconn và Sharp đã kết thúc với mức giá rẻ hơn so với dự kiến ban đầu
Thương vụ Foxconn và Sharp đã kết thúc với mức giá rẻ hơn so với dự kiến ban đầu

Mức giá 3,5 tỷ USD được xem là “rẻ mạt” cho một hãng công nghệ có tên tuổi và bề dày lịch sử như Sharp. Trước đó, vào đầu năm 2016, nhiều nguồn tin cho biết Foxconn sẵn sàng chi ra 5,3 tỷ USD để mua lại Sharp, sau đó hãng công nghệ Nhật Bản xác nhận số tiền được đề nghị là 6,2 tỷ USD nhưng cuối cùng thương vụ lại chỉ kết thúc với giá trị 3,5 tỷ USD.

Ban đầu, Foxconn sẽ nắm giữ 66% cổ phần tại Sharp trước khi số cổ phần tăng lên 72% vào tháng 7/2017. Hai công ty sẽ tổ chức một buổi họp báo vào ngày 2/4 để công bố thông tin chi tiết về thương vụ này.

Như vậy Foxconn đã đánh bại Inovation Network Corp of Japan (INCJ), một quỹ đầu tư do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn để giành quyền kiểm soát Foxconn. Trước đó chính phủ Nhật Bản đã từng nỗ lực để một trong những “gã khổng lồ công nghệ” của quốc gia này với vào tay của công ty nước ngoài. Chính phủ Nhật Bản đã từng bày tỏ sự lo ngại việc Sharp bị các công ty nước ngoài thâu tóm và nắm quyền điều khiển có thể khiến các công nghệ của Nhật Bản bị lọt ra bên ngoài.

Đây không phải là lần đầu tiên Foxconn có ý định thâu tóm Sharp. Trước đó vào năm 2012, nhà sáng lập và chủ tịch Foxconn Terry Gou, với tư cách cá nhân, đã mua lại 38% cổ phần của một nhà máy sản xuất màn hình của Sharp tại Sakai (Nhật Bản), đồng thời Foxconn cũng đã đồng ý mua lại 10% cổ phần tại Sharp, tuy nhiên thương vụ này sau đó đã bị hủy bỏ vào năm 2013 sau khi báo cáo doanh thu của Sharp được công bố cho thấy tài chính của Sharp đang rơi vào khủng hoảng.

Việc Foxconn mua lại Sharp sẽ làm thay đổi tương lai của cả 2 công ty. Theo các nhà phân tích, Foxconn là hãng lắp ráp và sản xuất sản phẩm lớn nhất cho các công ty thiết bị điện tử khác, nhưng sau thương vụ này, dường như Foxconn đã sẵn sàng để bán những sản phẩm điện tử của riêng mình cho người dùng. Việc sở hữu Sharp cũng sẽ giúp Foxconn nắm được những bản quyền về công nghệ, đặc biệt công nghệ màn hình, giúp Foxconn có thể dành được hợp đồng sản xuất màn hình iPhone thế hệ tiếp theo của Apple.

Về phần mình, Sharp đang lâm vào bối cảnh nợ nần trong thời gian qua sẽ có được khoản đầu tư lớn từ phía Foxconn có thể tiếp tục mở rộng các danh mục sản phẩm cũng như phát triển các dây chuyển sản xuất của công ty.

Được thành lập từ năm 1912, với tuồi đời lên đến 104 năm, Sharp nổi tiếng với các sản phẩm điện tử từ lò vi sóng, TV, máy nghe nhạc, điện thoại di động... Sau thương vụ, Foxconn có thể tiếp tục khai thác thương hiệu của Sharp để tiếp cận với người dùng.

T.Thủy