1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiến tạng cứu người:

Bài 3: Những số phận thay đổi nhờ ghép tạng

(Dân trí) - Không chỉ cứu một cuộc đời, giúp họ quay trở lại cuộc sống bình thường, có thể làm việc, tự nuôi sống bản thân mà ngay chính những người sống hiến tạng cũng hạnh phúc vì được chia sẻ sự sống với người khác.

Thay đổi số phận nhờ nguồn tạng hiến

Minh Vương, một nghệ sĩ tài hoa của sân khấu cải lương, người luôn mang tiếng hát làm đẹp cho đời, hơn 3 năm trước ông bất ngờ bị suy thận mạn nên thường xuyên phải vào tại bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận nhân tạo. Giọng ca ngọt ngào được trời phú của ông bỗng chốc trở nên lụi tàn, héo úa theo thân xác. Trong lúc, sự nghiệp, sinh mạng của người nghệ sĩ tài hoa chìm dần vào bạc mệnh, ông bất ngờ nhận được nguồn tạng hiến từ một người cho chết não. Sau cuộc ghép, cánh cửa cuộc đời lại mở toang, sân khấu cải lương như được tiếp thêm sức sống mới, bởi theo tâm sự của Minh Vương “giọng ca của tôi như ngọt ngào hơn cả trước lúc bị bệnh.”

Sự may mắn cũng đến với anh Nguyễn Đình Hữu (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM). Hơn 5 năm trước, anh bị suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần. Không muốn gia đình phải lo lắng, anh âm thầm chịu đựng bệnh tật và đề nghị bác sĩ không báo tin cho người thân, đặc biệt là người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Khi vòng tay tử thần ngày càng siết chặt, anh bất ngờ nhận được nguồn tạng hiến từ người cho chết não.

Ca ghép gan thứ 8 tại bệnh viện Nhi Đồng 2 vào năm 2014
Ca ghép gan thứ 8 tại bệnh viện Nhi Đồng 2 vào năm 2014

Cuộc ghép thận cho anh Hữu được thực hiện thành công. 2 năm sau, hạnh phúc gia đình càng trở nên viên mãn hơn khi cậu con trai thứ 2 của vợ chồng anh chào đời. “Tôi vô cùng biết ơn người đã hiến cho tôi trái thận, dù không biết đó là ai nhưng giờ đây một phần cơ thể của người đã khuất vẫn đang sống trong tôi nên tôi luôn ghi nhớ, trân trọng món quà sự sống quý giá này.”

Niềm vui không chỉ đến với những người được nhận món quà sự sống mà còn đến với cả những người cho đi một phần cơ thể của mình. Chị Nguyễn Thị Hà (ngụ tại quận 6, TPHCM) tâm sự: “Chứng kiến cảnh quá nhiều bệnh nhân đau đớn khi bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải liên tục đến bệnh viện chạy thận, tôi đã quyết định cho đi một quả thận của mình. Sau khi hiến, sức khỏe của tôi vẫn bình thường như trước và cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn vì mình đã được chia sẻ sự sống với người khác. Con gái lớn của tôi hiện cũng đã đăng ký hiến tạng trong trường hợp chết não với niềm tin sẽ góp phần nhỏ nhoi để cứu giúp những người bệnh qua cơn nguy khốn.”

Cha mất vì bệnh suy thận, bà Hồ Thị Kiểu Nga (ngụ tại Đà Nẵng) còn có người em mất vì chấn thương cột sống cổ. Trước khi mất, em của bà có nguyện vọng hiến tạng và hiến xác khi qua đời, nhưng tiếc rằng các bác sĩ đã không thể thực hiện được ý nguyện đó do nguyên nhân tử vong là bị viêm phổi nặng. Hơn ai hết, bà Hồ Thị Kiều Nga (ngụ tại Đà Nẵng) thấu hiểu nỗi đau của những người bệnh đang khắc khoải từng ngày với hy vọng nhận được tạng hiến.

“Sau khi em tôi mất, tôi đã vận động cả gia đình đi hiến tạng với suy nghĩ đơn giản, nếu mình chết mang đi thiêu sẽ thành tro, mang đi chôn sẽ thành đất. Chúng tôi hiến tạng với mong muốn những gia đình khác sẽ không phải chịu nỗi đau giống gia đình mình. Khi mất, nếu tạng của mình được sống trong cơ thể người khác, tôi và gia đình còn phải cảm ơn người nhận tạng vì chính họ sẽ duy trì sự sống cho một phần cơ thể của chúng tôi.” Ngoài hành động đăng ký hiến tạng, gia đình bà Kiều Nga còn dự định hiến mảnh đất hơn 1.000m2 tại TPHCM cho hoạt động hiến ghép tạng.

Chính những suy nghĩ mộc mạc nhưng mang đậm tình người ấy đã và đang nối dài thêm danh sách của những người đăng ký hiến tạng khi chẳng may qua đời tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, bệnh viện Chợ Rẫy. Theo thống kê, đến tháng 6/2015 đã có gần 600 người đăng ký hiến tạng trong trường hợp bị chết não, ngưng tim. Ngành y tế đang kỳ vọng từ sự thay đổi ý thức xã hội về việc hiến ghép tạng cộng đồng sẽ tự nguyện sẻ chia một phần cơ thể của mình ngay cả khi còn sống khỏe mạnh hoặc lúc sắp lâm chung để cứu giúp những bệnh nhân suy tạng.

Ghép tạng, giải pháp hiệu quả và tiết kiệm

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng và chống mọi tiêu cực có thể xảy ra trong hiến ghép tạng, năm 2013 Trung tâm điều phối ghép các bộ phận cơ thể người quốc gia được thành lập. Trung tâm là đại diện cho tất cả các quy định, tổ chức của quốc gia hoạt động trong lĩnh vực hiến ghép các bộ phận cơ thể người. GS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội tiết niệu, Thận học, TPHCM khẳng định: “Hoạt động tiêu cực có thể diễn ra trong bất kỳ ngành nghề nào. Tuy nhiên, để xây dựng tính bền vững cho kỹ thuật hiến ghép tạng đầy tính nhân văn, ngành y tế quyết tâm giữ gìn sự minh bạch và khách quan nhất trong hoạt động hiến ghép, tất cả chỉ tập trung cho mục tiêu cứu người bệnh.”

Chứng minh cho tính hiệu quả của ghép tạng, qua khảo sát TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, bệnh viện Chợ Rẫy đã phân tích cụ thể 3 trường hợp được điều trị tại bệnh viện gồm: Đàng Văn B. (ghép năm 2004, bảo hiểm y tế diện xóa đói giảm nghèo); Trần Thị Ngọc Th. (ghép 2008, bảo hiểm y tế tự nguyện) và Đỗ Viết T. (ghép năm 2011, bảo hiểm y tế cận nghèo). Thời điểm thực hiện cuộc ghép họ còn là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hình ảnh từ một cuộc ghép gan tại bệnh viện Chợ Rẫy
Hình ảnh từ một cuộc ghép gan tại bệnh viện Chợ Rẫy

TS Ngọc Thu cho biết: “Nếu những người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, tổng toa hàng tháng bệnh nhân phải trả cho thẩm phân phúc mạc là 14 triệu đồng, người chạy thận nhân tạo, tổng toa hàng tháng tiêu tốn từ 13 đến 15 triệu đồng. Khi bị suy thận, người bệnh chẳng những phải sống lệ thuộc vào các trang thiết bị y tế hỗ trợ, không thể tham gia vào các hoạt động xã hội để tự sản xuất của cải vật chất nuôi sống bản thân mà còn phải lệ thuộc vào gia đình mới có tiền chạy chữa.”

Tuy nhiên, sau khi được ghép thận, cuộc đời của người bệnh đã hoàn toàn thay đổi, từ người sống “bám” vào máy chạy thận, anh Đàng Văn B. hiện đã trở thành một giáo viên. Thay vì phải chi trả từ 13 đến 15 triệu đồng mỗi tháng, hiện tổng số tiền điều trị mỗi tháng của bệnh nhân là 3,8 triệu đồng, sau khi trừ bảo hiểm, bệnh nhân chỉ phải chi trả gần 800 nghìn đồng.

Bệnh nhân Trần Thị Ngọc Th. sau ghép có xảy ra các vấn đề biến chứng, chống thải ghép, viêm gan siêu vi, lao phổi, lao cột sống… song sức khỏe của cô vẫn đảm bảo để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhân viên văn phòng. Hiện tổng phí điều trị mỗi tháng của bệnh nhân khoảng 9 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí được bảo hiểm chi trả, bệnh nhân chỉ còn phải thanh toán 1,7 triệu đồng. Bệnh nhân Đỗ Viết T. sau ghép cũng đủ sức khỏe để tham gia vào các hoạt động xã hội, hiện mỗi tháng tổng chi phí của bệnh nhân là 7,3 triệu đồng, sau khi trừ bảo hiểm người bệnh chỉ phải thanh toán gần 400 nghìn đồng.

TS Ngọc Thu kết luận: “So với khoản trung bình (mỗi tháng 14 triệu cho chạy thận) phải chi trả của bệnh nhân thì sau ghép người bệnh và bảo hiểm chỉ phải chi trả một khoản thấp hơn nhiều, điều đó giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, đảm bảo sự bền vững cho các chính sách an sinh xã hội khác. Mặt khác, người bệnh sẽ có sức khỏe tốt hơn để tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh làm ra của cải tự chi trả phí điều trị, nuôi sống bản thân, thúc đẩy sự phát triển xã hội.  

Vân Sơn