TS Nguyễn Đức Thành: "Cần tìm động lực mới cho tăng trưởng năm 2017"
(Dân trí) - Khái quát về cơ hội tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam năm 2017, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: "Tôi chưa thấy động lực tăng trưởng cho năm 2017 ở đâu, năm 2017 có thể sẽ là năm kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn".
Trao đổi với Phóng viên, TS Nguyễn Đức Thành tỏ ra khá lo lắng về tăng trưởng năm 2017 bởi những diễn biến bất lợi từ tình hình quốc tế và chưa thấy những điểm mới từ trong nước khi cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang khó; quản lý công chậm đổi mới, nợ công cao và tăng chi ngân sách vẫn lớn.
Năm 2016, nền kinh tế bộc lộ nhiều "gót chân Asin"
Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 không đạt chỉ tiêu nhưng đây là con số phản ánh thực tế bởi năm qua chúng ta đang chứng kiến nhiều tác động bất lợi. Ngoài nước, cuộc ganh đua tiền tệ giữa đồng USD và Nhân dân tệ khiến Trung Quốc phá giá nhiều lần, đã ảnh hưởng đến tiền đồng, khiến tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam giảm và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Điều này đã được khắc phục dần.
Năm 2016, xu hướng hội nhập và mở cửa mạnh mẽ, khiến nền kinh tế bộc lộ nhiều điểm yếu như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hóa vẫn thấp. Cải cách khu vực kinh tế công, doanh nghiệp Nhà nước diễn biến chậm. Các vấn đề như cải cách thủ tục hành chính mới chỉ thực hiện được chủ trương, chưa đi vào thực tế...
Đặc biệt, những tác động của tự nhiên, thời tiết, thiên tai và ô nhiễm năm 2016 khiến Việt Nam gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Hạn hán ở Nam Trung Bộ, Ngập lụt ở Bắc Trung Bộ, hạn mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long... đã kéo giảm năng suất, tăng trưởng ngành nông nghiệp, nghèo hóa nông dân, nông thôn. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường từ Formosa tại 5 tỉnh miền Trung đã tác động trực tiếp đến sinh kế, kinh tế của hàng triệu hộ dân mà rất lâu mới có thể khắc phục được.
Theo T.S Thành, những thay đổi của điều kiện tự nhiên; nguy cơ công nghiệp lạc hậu, tận dụng tài nguyên đang khiến Việt Nam phải đánh đổi và buộc chúng ta phải thay đổi mới hy vọng có được tăng trưởng dài hạn, bền vững.
Vấn đề liên quan đến sự cạnh tranh của nền kinh tế khi Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào tăng trưởng và xuất khẩu quá ở các tập đoàn nước ngoài. TS Thành cho rằng: Tỷ lệ xuất khẩu của DN có 100% vốn nước ngoài đang chiếm 60% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Riêng Samsung hiện chiếm hơn 20% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Nói như vậy để chúng ta thấy là chúng ta đang phụ thuộc, lệ thuộc quá nhiều vào FDI.
FDI hiện đang chi phối nền kinh tế từ chính sách, đây là điều rất nguy hiểm bởi có một "ông" lớn như Samsung, nếu chúng ta muốn xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, thì phải dựa vào Samsung. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thay đổi liên tục, không ai nói trước được điều gì. Ngay cả các đế chế hùng mạnh như Nokia, Sony Ericsson, Motorola cũng đã thất bại, lụi tàn chỉ sau một thời gian ngắn. Hiện tại Samsung là lớn, là mạnh, nhưng bối cảnh Cách mạng công nghệ lần thứ 4, Việt Nam vẫn chỉ chạy theo làm các nhà phụ trợ (chỉ một số ít thành công) mà chúng ta không đầu tư vào ngành có giá trị gia tăng cao, tăng trưởng mới thì chúng ta sẽ vẫn mãi đi sau.
"Cần phải loại bỏ tư duy cố hữu của nhiều người là cứ từ từ rồi sẽ phát triển, chỉ là sau hay trước, sớm hay muộn. Chính vì điều này nên chúng ta không có doanh nghiệp tầm cỡ lớn, công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam là gì không ai trả lời được", TS Thành nhấn mạnh.
Về động lực tăng trưởng năm 2016, TS Thành phân tích có hai yếu tố khiến chúng ta đạt tăng trưởng, đó là: Trong nước năm 2016 tiếp tục là năm cải cách, tạo bản lề cho tăng trưởng và xây dựng chính phủ mới. Hai là TPP và các cơ hội từ FTA thế hệ mới từ EU, Hàn Quốc và các nước Á - Âu.
Việt Nam được kỳ vọng là nước có lợi lớn nhất khi TPP thông qua. Năm 2016 chúng ta chứng kiến nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đón sẵn cơ hội này bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của không chỉ Việt Nam mà còn của cả thế giới, thậm chí chi phối quan hệ làm ăn quốc tế.
Đầu tư của Trung Quốc đang thách thức với Việt Nam?
Theo TS Thành, việc quá nhiều đánh giá lạc quan, tích cực về TPP cũng khiến Việt Nam được kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài, và phần lớn tăng trưởng của Việt Nam là từ các DN nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng rất chậm, nhiều lĩnh vực tăng trưởng âm.
Ngoài ra, năm 2017, chúng ta còn phải "dành sức" để giải quyết các vấn đề nội tại của mình như: nợ công, nợ xấu và vấn đề tỷ giá. "Không thể neo mãi với giá USD được, chúng ta cần có cơ chế tốt hơn để đề phòng những cú sốc từ Chính phủ Trump, khi ông này tuyên bố Mỹ có thể tăng lãi suất bất cứ lúc nào. Cuộc ganh đua chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến Việt Nam và nhiều nước đau đầu và tác động ghê gớm", TS Thành nói.
"Vấn đề tác động rất quan trọng là chính sách hướng đông của Trung Quốc. Nước này chi rất nhiều tiền để mua và đầu tư hạ tầng ở các nước như Campuchia, Thái Lan, Lào, Singapore. Trung Quốc đang thực hiện chủ trương "nhất đới, nhất lộ" - “Một vành đai, một con đường”. Việc mở rộng đầu tư của Trung Quốc đã và đang đặt các nước trong khu vực phải có đối sách phù hợp", Viện trưởng VEPR phân tích.
Theo ông Thành, trong hai năm nay, qua các định chế tài chính đa phương và đơn phương của mình, Trung Quốc đang dồn tiền vào xây dựng các công trình, các con đường để giúp hàng hóa của Trung Quốc đi nhanh hơn, tiến gần hơn với các nước ASEAN. Trung Quốc xây dựng con đường xuyên Á qua Thái Lan, Campuchia, Lào và sát tận eo biển Malaca và Singapore; mua cảng nước sâu của Campuchia, đàm phán nhiều hợp đồng kinh tế với Malaysia... Chính sách của Trung Quốc đang hợp tác song phương với từng nước ASEAN để thực hiện chiến lược của mình. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam.
Nguyễn Tuyền