Kinh tế 2017: Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội
(Dân trí) - "Khi nhìn vào mục tiêu tăng trưởng và thực tế năm 2016 thì có thể thấy câu chuyện của năm 2016 không hề đơn giản, mặc dù có sự quyết tâm nhưng có sự cẩn trọng rất cao", TS Võ Trí Thành bình luận.
Phát biểu tại tọa đàm "Làm ăn gì năm 2017" ngày 10/12, TS. Võ Trí Thành nói: "Cách đây 2 tuần, hội nghị cấp cao APEC 2016 diễn ra tại Peru không khí “hơi buồn” do những quan ngại, sự bất định, đánh giá khác nhau trước việc ông Donald Trump thắng cử. Một số nước gặp vấn đề nội bộ khó khăn, nên lãnh đạo cấp cao một số nước không tham dự".
Câu chuyện năm 2016 không hề đơn giản
Theo TS Võ Trí Thành, Hội nghị APEC có 4 câu chuyện bàn là: thứ nhất, vấn đề tăng trưởng bền vững, sáng tạo; thứ hai, bao trùm, làm sâu sắc hóa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; thứ ba là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số hay nói cách khác gần với cách mạng công nghiệp lần 4 và vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ông Thành, đây cũng chính là câu chuyện của Việt Nam.
"Khi nhìn vào mục tiêu tăng trưởng và thực tế năm 2016 thì có thể thấy câu chuyện của năm 2016 không hề đơn giản, mặc dù có sự quyết tâm nhưng có sự cẩn trọng rất cao. Cái nhìn thận trọng bên cạnh con số tăng trưởng xuất khẩu có cần thiết không khi gắn liền với kinh tế vĩ mô? Bản chất tăng trưởng là công ăn việc làm. Ngoài ra, các khung pháp lý của Việt Nam hiện nay có một số điều bất cập. Ngoài ra cách làm để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đã đủ tốt chưa?", ông Thành đặt câu hỏi.
Nhìn lại những vấn đề trong năm 2016, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận: "Tôi thấy năm 2016 là năm có bước ngoặt với Việt Nam về nhiều mặt. Tất cả diễn biến như vậy là thách thức lớn nhưng có thể nói là Chính phủ đã đưa ra quyết sách kịp thời".
"Môi trường quốc tế quanh Việt Nam đang có sự thay đổi nên phải tỉnh táo. Nếu có sự thay đổi lãi suất, dòng tiền sẽ quay lại nước Mỹ. Đồng Nhân dân tệ mất giá và hàng hóa Trung Quốc đang rẻ và đây là điều bất lợi với chúng ta. Ngoài ra, sau khi Donald Trump đắc cử, những chính sách với Trung Quốc và Đài Loan sẽ khiến chúng ta phải theo dõi", ông Doanh nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: "Năm 2016 là một năm rất đặc biệt, cả trong và ngoài nước. Đây là năm mà chúng ta vừa thay đổi bộ máy lãnh đạo của đất nước, trong khi các yếu tố chính trị ở khu vực tác động vào nền kinh tế kinh khủng nhất, thiên nhiên thử thách chúng ta nhiều nhất".
Ông Kiên cho rằng, năm 2016, những bài toán đặt ra từ những năm trước vẫn còn ngổn ngang, như tái cơ cấu ngân hàng, cổ phần hóa danh nghiệp nhà nước. Trong đó, biến đổi khí hậu chúng ta không tự gây ra tình trạng ngập mặn nhưng chúng ta xử lý không tốt. Khu vực sông Mê Kông bị ngăn nước lại nên áp lực ở cửa sông nhỏ, ngập mặn là tất yếu. Khi nhìn lại cơ cấu của nền kinh tế, chưa bao giờ 63% lực lượng nông nghiệp mất ổn định và mong manh đến thế. 6 tháng đầu năm, phát triển nông nghiệp là âm 0,1%, nhưng từ tháng 7, mưa thuận gió hoà, nông nghiệp tăng trưởng trở lại 0,68%.
"Như vậy có thể thấy, nền kinh tế bất định phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện tự nhiên. Nói là thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hoá, nhưng bản thân cơ cấu không thay đổi nhiều", ông Kiên nhấn mạnh.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bình luận thêm về những chỉ tiêu vĩ mô như xuất khẩu, tăng trưởng GDP, nhiều chuyên gia đồng quan điểm khi cho rằng “tương lai bất định nên tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: “Về thu hút đầu tư nước ngoài, năm nay giải ngân vốn FDI chắc chắn không đạt kế hoạch, có thể chỉ đạt hơn 16 tỷ USD. Chắc chắn 2017 chúng ta có thể thực hiện được thêm 10% của 16 tỷ USD trong năm 2016. Tuy nhiên, yếu tố quyết định nhất vẫn là chúng ta, nói là phải làm và đừng nói thế này mà làm thế khác”.
Về tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Tôi không thực sự lạc quan. Tôi thấy giữa năm 2016, Chính phủ đã cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng muốn đạt được 6,7% là rất khó. Một số dự báo cho thấy chúng ta chỉ đạt được mức 6%. Năm 2017, tôi không lạc quan kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn năm nay, Việt Nam có thể sẽ đi vào giai đoạn trì trệ nếu không được giải quyết được hết vấn đề. Chỉ hy vọng được khí hậu tốt hơn, kinh tế thế giới ổn định hơn nhưng rõ ràng tiêu cực thì dễ xảy ra hơn tích cực".
Ở một góc nhìn khác, ông Kiên vẫn lạc quan cho rằng, năm 2017, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội bởi với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn thì sẽ có nhiều đất tham gia vào ngành, lĩnh vực trước kia vốn là lĩnh vực đặc thù của nhà nước.
"Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp phụ thuộc vào trồng trọt, chế biến gần như chưa ai khai phá. Các hiệp định FTA chúng ta ký kết cũng là lĩnh vực cam kết nhiều bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Thế giới cũng bắt đầu chuyển vào thời kỳ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần 4 rất nhanh. Các ngành dịch vụ máy móc không thể tác động được. Còn một số ngành khác như du lịch, khách sạn, lữ hành thì Việt Nam có thể chủ động tác động, và là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và khai thác được ngay", ông nói thêm.
Phương Dung