“Nông thôn mới, nhà văn hoá, khu thể thao vắng lặng mà sao nhiều khẩu hiệu thế”

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương-Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thốt lên như vậy khi thảo luận về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày 4/11.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng đã xuất hiện các dấu hiệu thiếu minh bạch trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đã có những sai phạm như xé lẻ gói thầu thành gói nhỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, sau đó làm hồ sơ giao thầu tiếp, tránh chuyện đấu thầu. Hoặc khi tổ chức đấu thầu căn cứ vào chứng thư thẩm định của đơn vị tư vấn, nhưng từ chứng thư thẩm định cho đến hồ sơ dự thầu của các nhà thầu giá thiết bị cao hơn rất nhiều so với thực tế. Hay như một số trạm y tế đầu tư thiết bị trị giá gần 500 triệu đồng, nhưng vẫn thiếu đồng bộ nên vẫn nằm bất động.

Ông Cương nêu ra một câu chuyện mà mình mới trải nghiệm: “Cuối tuần vừa rồi tôi có về thăm gia đình một người bạn cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km. Một người dân phản ánh xây hố chứa rác trong các thôn tốn gần 1 tỷ đồng, trong khi đó người dân nói chỉ cần 200 triệu đã tốt rồi. Mặc dù đó là phản ánh của người dân, nhưng tôi nghĩ làm sao ngăn chặn được trục lợi và tham nhũng trong xây dựng nông thôn mới”.

Lãng phí trong quá trình xây dựng các công trình nông thôn mới cũng được vị đại biểu tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm. Đó là hình ảnh nhiều nhà văn hóa được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng cửa đóng then cài, khu thể thao thì vắng lặng đìu hiu.

“Đi qua những nơi được công nhận nông thôn mới không hiểu vì sao nhiều pano, khẩu hiệu đến thế. Ở một số địa phương dọc quốc lộ, tỉnh lộ, khẩu hiệu hộp cứng viền nhôm đặt san sát nhiều cây số. Vẫn biết Việt Nam là nước nhiều khẩu hiệu nhất thế giới, nhưng để phục vụ công tác tuyên truyền thì có cần nhiều khẩu hiệu đến như thế không. Kinh phí để thực hiện công việc này nếu không lấy từ ngân sách thì cũng lấy tiền của người dân”- ông Cương thẳng thắn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu thực tế nhiều xã chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, huy động cả hộ nghèo, người cao tuổi và những hộ chính sách. “Hiện nay có 53/63 tỉnh, thành nợ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có những vùng như đồng bằng sông Hồng lại ở vị trí nợ cao nhất. Cá biệt còn có những xã, phường, thôn, bản lợi dụng chương trình xây dựng nông thôn mới cho nên cán bộ suy thoái đã tham ô và gây nhiều đơn thư khiếu kiện tố cáo và cũng gây phức tạp mất niềm tin trong xây dựng nông thôn mới”- ông Phương bức xúc.

Vị đại biểu Quảng Bình cho rằng, nguyên lý để giảm tăng dân số, tăng gánh nặng cho thành phố không phải xử lý ở tại thành phố mà phải đầu tư phát triển cho nông thôn để giữ dân và thu hút người dân ở thành thị về với nông thôn. Nếu nông thôn nghèo đói, bất ổn định về chính trị thì ai cũng tìm cách để lên thành phố.

“Chúng ta suy từ chúng ta mà nên. Bây giờ phải nói rất nhiều các đại biểu trong chúng ta ngồi đây nhưng tìm cách cho con cái làm nhà, mua nhà cửa ở Hà Nội và tình hình như thế thì nếu mình không có thay đổi sẽ lặp lại”- ông nói.

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đề nghị điều tra, thống kê đầy đủ và công bố tình trạng nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản.

“Cần phải đặt câu hỏi về cách xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi, nhiều chỗ hướng tới thành tích phô trương, chạy theo chủ nghĩa thành tích, nặng tính phong trào, trong giai đoạn hiện nay còn phù hợp hay không?. Đặt câu hỏi như vậy không phải để phê bình, truy cứu mà để tìm ra chỗ sai, chỗ lệch của cách làm, hạn chế lãng phí, tập trung sức lực vào đúng điểm cốt lõi của chương trình”- ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhấn mạnh đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn đã đến ngưỡng “không thể chịu đựng thêm được nữa”, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nêu thực trạng: “Đây quả thực là lời cảnh báo không có gì nghiêm khắc hơn trong mỗi chúng ta. Ngày nay ô nhiễm không còn là vấn đề chỉ của thành phố, các khu công nghiệp lớn mà nó đã len lỏi về đến tận làng quê xa xôi, hẻo lánh đang hủy hoại từng ngày lá phổi trong lành của chúng ta. Ba nguồn ô nhiễm lớn đang là áp lực lớn đè nặng lên môi trường trong khu vực nông thôn, đó là ảnh hưởng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, con người còn trực tiếp hủy hoại môi trường bằng cách phá rừng, khai thác tài nguyên quá mức”.

Để ngăn chặn tình trạng hủy hoại môi trường nông thôn, đại biểu Đức đề nghị Chính phủ không chỉ đưa ra tiêu chí về môi trường cho nông thôn mới mà còn phải chủ động nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp để xử lý các thách thức ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Đồng thời nghiên cứu, hướng dẫn, giúp đỡ giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt an toàn ở nông thôn, phát triển và sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp, xử lý nghiêm những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Chưa có chính sách mang tính đột phá

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Kết quả thực hiện tại các vùng, miền cũng có sự chênh lệch rất rõ rệt: Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng Sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%.

Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,38%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm).

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Về nguồn vốn thực hiện, báo cáo nêu rõ: Trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng .

Để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Theo đánh giá, nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nêu trên, một phần do chưa có chính sách mang tính đột phá, nhất là trong khâu tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất, bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp, khắc phục rủi ro thị trường; nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Chương trình còn chưa đảm bảo; còn có những hạn chế về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế.

Thế Kha