Ít nhất 6 tháng đầu năm 2018 thị trường ôtô sẽ không có xe nhập khẩu

(Dân trí) - Ford không nhận đơn hàng mới cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ 2018, Toyota tuyên bố dừng sản xuất xe cho thị trường Việt Nam; trong khi đó, Honda phải hoàn trả tiền cọc cho các đơn hàng nhập khẩu xe mới… thị trường ôtô Việt Nam bước vào năm 2018 không phải với tin vui giá xe giảm mà là sự… hoảng loạn của các thương hiệu ôtô.

Các hãng dừng sản xuất xe cho thị trường Việt Nam

Với những điều khoản mới trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP, hầu như tất cả các hãng xe tham gia kinh doanh mảng xe nhập khẩu đều chính thức thông báo tạm dừng đưa xe về Việt Nam. Điều này xảy ra không chỉ với các doanh nghiệp có nhà máy tại Việt Nam (thành viên VAMA), mà các nhà nhập khẩu chính hãng cũng lâm vào tình cảnh tương tự: không thể mở tờ khai vì thiếu giấy tờ theo quy định. Chính vì vậy, hàng loạt các hãng đã phải công bố những thông tin chẳng mấy “vui vẻ” vào thời điểm đầu năm 2018 đầy hy vọng này.

Đầu tiên là Ford Việt Nam công bố không nhận đơn hàng cho các mẫu Ranger và Explorer; tiếp theo đó, Toyota Việt Nam cũng đưa ra thông tin sẽ không thể đưa về các mẫu SUV Fortuner, Wigo (từ Indonesia) và Hilux từ Thái Lan. Hyundai Thành Công tuyên bố dừng nhập khẩu để chuyển hẳn sang lắp ráp trong nước. Mercedes-Benz, thương hiệu xe sang duy nhất có nhà máy tại Việt Nam, cũng đã dừng sự kiện ra mắt mẫu S-Class 2018 mà chưa xác định thời gian quay trở lại, cho dù đã gửi giấy mời và lên chương trình cụ thể.

Sự thay đổi vì chính sách khiến Honda có lỗi nặng với người tiêu dùng Việt Nam, với giá bán của mẫu CR-V cao hơn giá với bán công bố ban đầu hàng trăm triệu đồng.
Sự thay đổi vì chính sách khiến Honda "có lỗi" nặng với người tiêu dùng Việt Nam, với giá bán của mẫu CR-V cao hơn giá với bán công bố ban đầu hàng trăm triệu đồng.

Trường hợp bị ảnh hưởng nhiều nhất là Honda Việt Nam (HVN), sự ra mắt của mẫu crossover CR-V hoàn toàn mới nhập khẩu từ Thái Lan được đánh giá là rất khả quan nhưng lại có một kết cục không thể “chán chường” hơn. Đại diện HVN cho biết; hiện hãng đã phải trả lại tiền đặc cọc của hơn 2.000 đơn hàng mà hãng đã kí hợp đồng trước đó với nguyên nhân không thể đưa xe về trong năm 2018. Trong khi hãng hiện chỉ có một số lượng nhỏ xe về trong năm 2017, nhưng với giá bán cao hơn (tới 200 triệu đồng) do vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu 30% (so với mức giá bán công bố trước đó với mức thuế nhập khẩu 0%).

Đặc biệt, không chỉ các hãng có mặt tại Việt Nam tuyên bố tạm dừng nhập khẩu xe mới mà ngay cả đại diện các nhà sản xuất xe cho thị trường Việt Nam cũng đăng đàn phán ứng về chính sách mới của Chính phủ Việt Nam. Mới đây nhất là Toyota tuyên bố trên tờ Nikkei cho biết hãng đã dừng toàn bộ việc sản xuất xe phục vụ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam, bao gồm các mẫu Yaris, Hilux từ Thái Lan, Fortuner từ Indonesia và toàn bộ các mẫu Lexus từ Nhật Bản.

Ít nhất 6 tháng đầu năm sẽ không có xe nhập khẩu

Năm 2018 bắt đầu với hy vọng của người tiêu dùng Việt Nam khi sẽ được mua ôtô giá rẻ, với các mẫu xe sản xuất trong khu vực ASEAN được miễn thuế nhập khẩu (đáp ứng đủ các điều kiện). Tuy nhiên, với các quy định mới (*) về kinh doanh nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP, các hãng cho biết chưa thể xác định chính xác thời điểm nào có thể hoàn thiện thủ tục để tiếp tục đưa xe về Việt Nam. Và ngay cả khi có đáp ứng được các điều kiện này, việc thực hiện các thủ tục hải quan và đăng kiểm cũng đã mất ít nhất 2 tháng (theo quy định là 70 ngày cho thủ tục này) trước khi bán xe đến người tiêu dùng; chưa kể việc đặt hàng, sản xuất và vận chuyển từ nước sản xuất cũng cần những khoảng thời gian nhất định (từ ASEAN mất khoảng 2 tuần, từ châu Âu và Mỹ khoảng 65-70 ngày kể từ khi xuất cảng).

Đại diện một hãng xe cho biết: “Giả sử có giấy Chứng nhận kiểu loại cho xe nhập khẩu thì cũng mất đến 70 ngày chờ thử nghiệm trước khi thông quan. Nếu trung bình mỗi hãng nhập 1-2 mẫu xe về cùng trong 1 tháng thì thời gian chờ để thử nghiệm hết cũng đã là gần 400 ngày”.

Thay vì sôi động như thời điểm cùng kì năm ngoái, tới thời điểm này (19/1/2018) chưa có bất kì mẫu xe nào được nhập khẩu mới vào Việt Nam kể từ đầu năm. Theo thống kê, trong 15 ngày đầu tiên của năm, chỉ có 6 chiếc xe được nhập khẩu vào Việt Nam và đều không phải là các mẫu xe thương mại (2 xe dành cho đại sứ quán, 4 xe trang bị cho các cơ quan nhà nước).
Thay vì sôi động như thời điểm cùng kì năm ngoái, tới thời điểm này (19/1/2018) chưa có bất kì mẫu xe nào được nhập khẩu mới vào Việt Nam kể từ đầu năm. Theo thống kê, trong 15 ngày đầu tiên của năm, chỉ có 6 chiếc xe được nhập khẩu vào Việt Nam và đều không phải là các mẫu xe thương mại (2 xe dành cho đại sứ quán, 4 xe trang bị cho các cơ quan nhà nước).

Và vấn đề về Giấy chứng nhận kiểu loại - điểm mấu chốt để có thể đưa được xe vào thị trường Việt Nam, vào thời điểm này vẫn là loại giấy tờ mà các hãng khó có thể đáp ứng được. Hiện tại, các xe sản xuất cho thị trường châu Âu và Nhật Bản đều theo tiêu chuẩn khí thải Euro 6 và có thể không tương thích với nhiên liệu hiện đang được cung cấp tại Việt Nam. Xe nhập từ khu vực Đông Nam Á (chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia) có tay lái bên phải, nếu sử dụng giấy CNCL kiểu loại từ nước sở tại, sẽ không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái, trong khi đó thời điểm này các nước sản xuất cũng không có loại giấy tờ chứng nhận cho các mẫu xe thuộc đơn hàng theo yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường Việt Nam.

Và thực tế cho thấy, việc nguồn cung (xe nhập khẩu) chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường đã khiến các mẫu xe hiện còn lại được đẩy giá lên cao khiến người tiêu dùng thay vì sẽ được hưởng các chính sách giá bán cởi mở hơn nhờ thuế nhập khẩu giảm, sẽ phải bỏ ra số tiền lớn hơn để sở hữu xe; Honda CR-V giá cao hơn khoảng 200 triệu đồng, Toyota Fortuner bị các đại lí đặt thêm điều kiện (mua phụ kiện) nếu muốn mua xe…


Tập đoàn Trường Hải kịp mở tờ khai nhập khẩu hơn 300 chiếc BMW và MINI trong năm 2017

Tập đoàn Trường Hải kịp mở tờ khai nhập khẩu hơn 300 chiếc BMW và MINI trong năm 2017

Kết thúc năm 2017, theo thống kê của tổng cục Hải quan, thị trường ôtô Việt Nam đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách từ việc chi 6,99 tỉ USD nhập khẩu phương tiện và phụ tùng vào Việt Nam, trong đó từ Nhật Bản có giá trị ước tính 2,18 tỷ USD, Mỹ với giá trị 1,18 tỷ USD, tăng 48,4% và Thái Lan với 332 triệu USD… Chính vì vậy, với mục tiêu lâu dài là ổn định phát triển nền công nghiệp ôtô tại Việt Nam, các nhà quản lí có vẻ như đã sẵn sàng việc “hy sinh” các bài toán nguồn thu trong thời gian ngắn hạn. Tuy vậy, vấn đề lớn nhất và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch này là sự do dự, mất hy vọng của khách hàng Việt Nam, những người đang rất cần một chính sách ổn định để được hưởng những ưu đãi về giá bán xe, thay vì những con số cao ngất như hiện nay.

Việt Hưng

Ít nhất 6 tháng đầu năm 2018 thị trường ôtô sẽ không có xe nhập khẩu - 4