Giá nhà cao gấp 20 lần thu nhập trung bình
(Dân trí) - Hiện tại, giá nhà ở Việt Nam đang cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, trong lúc ở các nước khác thì giá nhà chỉ cao hơn khoảng 5 - 7 lần. Tuy nhiên, để tạo lập được nhà ở thì có thể bằng nhiều phương thức như thuê, mua nhà trả góp hoặc mua nhà trả ngay tùy theo khả năng tài chính của mỗi người.
Thị trường bất động sản: "Tiền nào của nấy" có tốt?
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, ông bà ta thường nói “tiền nào của nấy”, cho nên, giá càng thấp chưa chắc đã là tốt cho người mua. Đặc biệt, đối với bất động sản thường là tài sản lớn nhất của một gia đình và có giá trị sử dụng lâu dài. Do vậy, giá nhà hợp lý thì tốt hơn, giá này phải loại trừ các chi phí bất hợp lý, chi phí ngầm.
Hiện tại, giá nhà ở Việt Nam đang cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, trong lúc ở các nước khác thì giá nhà chỉ cao hơn khoảng 5 - 7 lần mà thôi. Tuy nhiên, để tạo lập được nhà ở thì có thể bằng nhiều phương thức như thuê, mua nhà trả góp hoặc mua nhà trả ngay tùy theo khả năng tài chính của mỗi người.
Trên thị trường thực tế đang rất thiếu loại nhà cho thuê vừa túi tiền, loại nhà bán trả góp dài hạn. HoREA kiên trì đề xuất và đã được đưa vào Luật Nhà ở về việc Nhà nước đầu tư ngân sách để phát triển nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội bán trả góp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách để bán.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mức lãi suất 4,8%/năm áp dụng đến hết ngày 31/12/2016 đối với nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiệp hội đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước quyết định mức lãi suất này áp dụng tại các ngân hàng Vietcombank, ViettinBank, AgriBank, BIDV để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và UBND TPHCM tạo điều kiện để hình thành các khu nhà ở hỗn hợp bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại “chuẩn thấp” (có nhiều căn hộ quy mô vừa và nhỏ, tối thiểu 25m2/căn hộ như nhà ở xã hội) để đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và người nhập cư.
Niềm tin suy giảm vì… dự án mất uy tín
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Eximrs cho rằng, một số sự cố vừa qua của các dự án căn hộ như Hamona, Bảy Hiền Tower... đã làm lòng tin khách hàng giảm đáng kể. Vì không còn niềm tin vào thị trường căn hộ nên một số khách hàng có xu hướng chuyển dịch từ đầu tư căn hộ sang đất nền.
Theo thông tin của CBRE, trong nửa đầu năm 2016, thanh khoản của thị trường có dấu hiệu trồi sụt, cụ thể là quý 1 tăng nhưng quý 2 có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, trong quý 2 này, thanh khoản giảm mạnh ở phân khúc căn hộ cao cấp vì hầu như không có dự án mới chào bán trong phân khúc này, chỉ là mở những tòa tiếp theo trong dự án đã chào bán trước đó nên không tạo sức hút trên thị trường.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu CBRE cho rằng, phân khúc căn hộ bình dân đã có sự tăng trưởng về tỷ trọng trong nguồn cung các năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn khả năng tăng trưởng hơn nữa do mức giá đáp ứng được khả năng chi trả của một bộ phận lớn nguồn cầu của thị trường.
“Trong thời gian hơn 1 năm qua, khi thị trường tăng trưởng nhanh, phân khúc trung cấp và cao cấp có được chú ý hơn do khả năng hấp thụ của thị trường thường tốt hơn cho các phân khúc này trong giai đoạn này. Phân khúc căn hộ bình dân/vừa túi tiền yêu cầu khả năng tiết kiệm chi phí trong quá trình đầu tư, xây dựng, do đó có thể cần một số hỗ trợ nhất định, ví dụ về quỹ nhất, các chính sách thuế... để hấp dẫn các chủ đầu tư hơn”, bà Dung nói.
Công Quang