1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Bà Yingluck bỏ trốn, nhà Shinawatra giã từ chính trường

Bà Yingluck được cho là đã trốn sang Campuchia ngày 23-8, qua Singapore rồi đến Dubai đoàn tụ cùng anh trai Thaksin Shinawatra.

Bà Yingluck Shinawatra gây sốc cả Thái Lan khi không có mặt tại Tòa Tối cao để nghe phán quyết vụ kiện xao lãng trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo thời còn đương chức. Theo tiết lộ của một lãnh đạo đảng Puea Thai với CNN, bà Yingluck đã bay sang Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) hai ngày trước ngày tòa án ra phán quyết.

Cuộc tẩu thoát sát “giờ G”

Một nguồn tin thân cận gia đình bà Yingluck cho biết cựu thủ tướng Thái Lan cùng một số phụ tá đã đáp chuyên cơ đến tỉnh Trat, cực Đông Thái Lan từ ngày 23-8, theo Bangkok Post. Từ đó bà đi bằng đường bộ qua tỉnh Koh Kong (Campuchia) đến Phnom Penh và được một số nhân vật có ảnh hưởng tại đây giúp có visa và hộ chiếu nước ngoài. Nhiều nhà quan sát cho biết gia đình Shinawatra vẫn giữ quan hệ tốt với các nhân vật chính trị hàng đầu ở Campuchia. Con gái của bà Yaowapa Wongsawat, một em gái khác của ông Thaksin, đã cưới con trai của một nghị sĩ cấp cao ở Campuchia, nắm trong tay một chuỗi khách sạn và nhiều cơ sở kinh doanh.

Sau đó, bà Yingluck lại đáp chuyên cơ đến Singapore rồi lên một chuyến bay khác đến Dubai để đoàn tụ với anh trai Thaksin Shinawatra, bị quân đội đảo chính năm 2006, hiện sống lưu vong ở Dubai và London. Nguồn tin trong đảng Puea Thai tiết lộ với CNN, bà Yingluck cũng có hộ chiếu Nicaragua giống anh trai. Kế hoạch tẩu thoát của bà Yingluck được giữ tuyệt đối bí mật đến tận vài ngày sau khi bà rời khỏi Thái Lan. Ngày 24-8, trên trang Facebook của bà Yingluck vẫn được cập nhật hình ảnh và video cảnh bà xuất hiện ở quận Noi và cả ở nhà tại thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, đây được cho là một chiêu đánh lạc hướng lực lượng an ninh Thái Lan. Một ngày trước phiên xử, bà Yingluck vẫn lên Facebook kêu gọi người ủng hộ không đến Tòa Tối cao để đảm bảo an toàn.


Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại phiên điều trần cuối cùng của vụ kiện chương trình trợ giá gạo ngày 21-7. Ảnh: AFP

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tại phiên điều trần cuối cùng của vụ kiện chương trình trợ giá gạo ngày 21-7. Ảnh: AFP

Được bật đèn xanh?

Tờ Bangkok Post dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát và một số nguồn tin chính phủ Thái Lan cho biết một số quan chức chính phủ Thái Lan có thể đã dính líu đến việc để sổng mất bà Yingluck. Theo một nguồn tin thân cận với các nhân vật cấp cao trong hệ thống chính trị Thái Lan, có thể đã có thế lực bật đèn xanh cho bà Yingluck ra đi. Việc “hoa hồng thép” Thái Lan biến mất, không phải vào tù sẽ giúp chính phủ Bangkok tránh được sức ép và bất ổn xã hội.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwon đã bác bỏ các nghi vấn lực lượng an ninh cố tình để bà Yingluck trốn đi. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng bà Yingluck đã được thế lực nào đó trong nước giúp đỡ. Theo ông, bà Yingluck từng là thủ tướng nên có thể vẫn có ảnh hưởng đến một số quan chức chính phủ. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết rất sốc với tin bà Yingluck bỏ trốn.

Chính trường khép cửa với nhà Shinawatra

Với quyết định ra đi, bà Yingluck giờ phải sống lưu vong, trốn chạy cả đời trừ khi được hoàng gia ân xá. Sự ra đi của bà là dấu hiệu cho thấy chặng đường chính trị của nhà Shinawatra đã tới điểm cuối, tờ Bangkok Post dẫn ý kiến các nhà phân tích chính trị.

Nói cách khác, cánh cửa chính trị với nhà Shinawatra tại chính trường Thái Lan đã đóng lại cùng sự kiện bà Yingluck bỏ trốn khỏi đất nước để tránh phán quyết của Tòa Tối cao. Tương lai đảng chính trị Puea Thái đang đứng trước màn sương mờ mịt với quyết định đào tẩu của bà Yingluck. Không còn người phụ nữ mệnh danh “hoa hồng thép” của Thái Lan, chính trị gia kỳ cựu Sudarat Keyuraphan có thể sẽ tạm thời lãnh đạo đảng Puea Thai. tương lai của đảng này về dài hạn sẽ khó có thể đứng vững được vì đã mất lòng tin của công chúng.

Ngày 25-8, bất chấp thông điệp trên Facebook trước đó của bà Yingluck đề nghị họ đừng đến Tòa Tối cao, hàng ngàn người ủng hộ bà vẫn tập trung chờ đợi. Nhiều người ủng hộ đã không giấu được sự thất vọng với hành động của bà Yingluck. “Chúng tôi đã tưởng bà Yingluck sẽ chiến đấu với vụ kiện đến phút cuối. Chúng tôi cảm thấy như mình bị lừa” - một người ủng hộ thất vọng. Trong khi đó, anh Jom Petchpradab, một người làm truyền thông cho phe áo đỏ, đưa thông điệp lên trang Facebook của mình: “Có phải bà đã nói bà là một chiến binh, sẵn sàng chiến đấu và chết trên chiến trường? Có phải bà đã lừa tôi?”.

Nhiều người ủng hộ nói rằng họ tin phán quyết và hình phạt tù nếu có sẽ chỉ là động lực cho bà Yingluck quay trở lại chính trường sau đó với tư thế mạnh mẽ hơn, giờ thì không còn có thể nữa. Nhà Shinawatra đã có ba đời thủ tướng Thái Lan trong 16 năm qua. Ông Thaksin nắm quyền từ tháng 1-2001 đến khi bị đảo chính vào tháng 9-2006. Ông Somchai Wongsawat, em rể ông Thaksin, nắm quyền từ tháng 9 đến tháng 12-2008. Ông này sau đó cũng bị cấm tham gia chính trị trong năm năm. Bà Yingluck nắm quyền từ tháng 8-2011 đến tháng 5-2014.

Cục Hình sự Tòa Tối cao Thái Lan đã ra lệnh bắt bà Yingluck. Tòa án hoãn ra phán quyết đến ngày 27-9, tịch thu khoản bảo lãnh trị giá 30 triệu baht (gần 20,2 tỉ đồng) của bà Yingluck. Khi bị tuyên có tội, bà Yingluck có thể đối mặt án tù tối đa 8-10 năm và bị cấm tham gia chính trị vĩnh viễn. Hai chính trị gia từng phục vụ dưới thời bà Yingluck cũng bị kiện trong vụ này nhận hai mức án 42 và 36 năm tù giam. Tòa cho biết sẽ tuyên án vắng mặt nếu bà Yingluck vẫn không xuất hiện. Nếu bà trở về và bị bắt, bà không còn cơ hội bảo lãnh tại ngoại nữa vì đã thể hiện ý định bỏ trốn. Chính phủ Thái Lan ước tính khoảng 500 tỉ baht (336.519 tỉ đồng) bị thất thoát trong chương trình trợ giá lúa gạo này.

Theo Đăng Khoa

Pháp luật TP. Hồ Chí Minh