1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck “chạy trốn để xin tị nạn ở Anh”

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đến Dubai và có thể đang cố gắng tìm cách xin tị nạn ở Anh sau khi chạy trốn khỏi Bangkok để tránh một phán quyết của tòa án, một nguồn tin từ chính quyền quân sự tiết lộ.


Một phóng viên chờ đợi bên ngoài nhà của bà Yingluck ở quận Bueng Koom, Bangkok (Ảnh: The Nation)

Một phóng viên chờ đợi bên ngoài nhà của bà Yingluck ở quận Bueng Koom, Bangkok (Ảnh: The Nation)

AFP ngày 26/8 dẫn một nguồn tin giấu tên từ chính quyền quân sự tiết lộ bà Yingluck, 50 tuổi, đã lên một máy bay riêng từ Thái Lan đi Singapore để đến Dubai, nơi người anh trai của bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong.

“Thaksin từ lâu đã chuẩn bị kế hoạch trốn thoát cho em gái… Ông ấy không cho phép em gái phải ngồi tù dù chỉ một ngày”, nguồn tin trên tiết lộ.

“Nhưng Dubai không phải là điểm đến cuối cùng của bà Yingluck”, nguồn tin nói, cho biết thêm rằng mục tiêu của bà có thể là “xin tị nạn tại Anh”.

Ông Thaksin, người từng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Manchester City, sở hữu các bất động sản ở London và dành nhiều thời gian sống ở dây.

Tờ The Nation ngày 26/8 dẫn lời một quan chức Thái Lan cho biết cảnh sát nước này hiện đang thu thập bằng chứng để xin lệnh khám xét nhà của bà Yingluck. Thiếu tướng Nanthachat Supamongkol nói với tờ báo rằng việc khám xét nhà của bà Yingluck là một vấn đề nhạy cảm nên cảnh sát đang đợi lệnh của cơ quan thẩm quyền.

Bà Yingluck trở thành thủ tướng vào năm 2011 sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử. Nhưng bà đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2014.

Bà Yingluck bị cáo buộc sơ suất trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi vào năm 2014. Khi đó, chính phủ Thái Lan đã thực hiện chương trình trợ giá gạo cho nông dân: mua gạo với giá cao để tích trữ. Chính sách này được lòng người dân, nhưng đã khiến chính phủ thiệt hại hàng tỷ USD.

Cựu nữ Thủ tướng dự kiến phải có mặt tại tòa án tối cao vào sáng ngày 25/8 để nghe phán quyết trong phiên tòa về cáo buộc bà sao nhãng bổn phận. Nếu bị kết án, bà có thể đối mặt 10 năm tù giam và bị cấm tham gia chính trị.

Tuy nhiên, bà Yingluck đã không có mặt tại tòa, và điều này đã làm nảy sinh nhiều đồn đoán về nơi ở của bà, và lộ trình trốn thoát.

Một nguồn tin trong đảng Pheu Thai của bà Yingluck, cũng đề nghị giấu tên, cho biết cựu nữ Thủ tướng đã chạy tới Dubai vài ngày trước đó.

Các tờ báo Thái Lan cho hay bà Yingluck đã trốn thoát bằng đường bộ tới Campuchia và bay tới Singapore rồi đi Dubai, có thể là 2 ngày trước khi tòa dự kiến ra phán quyết.

Thỏa thuận bí mật với chính quyền quân sự?


Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters)

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters)

Sự biến mất của bà Yingluck thậm chí bất ngờ ngay cả với chính gia đình bà, khi anh trai và chị gái thậm chí còn đứng tại tòa, cùng hàng nghìn người ủng hộ, để chờ bà đến.

Reuters cho biết một phóng viên của hãng tin này đã bị chạn tại khu Emirates Hills ở Dubai, nơi ông Thaksin có một ngôi nhà. Người phát ngôn của Thaksin tại Dubai cũng không trả lời các liên lạc của hãng tin Reuters.

Mạng lưới chính trị của gia đình Shinawatra ngày 26/8 vẫn im lặng, điều càng làm gia tăng những đồn đoán về cuộc chạy trốn của bà Yingluck khỏi Thái Lan và khả năng có một thỏa thuận với chính quyền quân sự để cho phép bà chạy trốn.

Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha ngày 25/8 đã khẳng định không biết bà Yingluck ở đâu và bày tỏ bất ngờ về việc bà không xuất hiện tại tòa như từng luôn khẳng định rằng sẽ chiến đấu với vụ việc.

Các nhà phân tích cho rằng bà Yingluck, người bị các cơ quan an ninh Thái Lan theo dõi chặt chẽ, nhiều khả năng đã đạt được một thỏa thuận để rời khỏi đất nước.

Quyết định trốn ra nước ngoài giúp bà tránh bị ngồi tù dưới chính quyền quân sự, vốn thúc đẩy phiên tòa chống lại bà, và giảm nhẹ khả năng xảy ra các cuộc biểu tình ủng hộ Shinawatra.

Trong khi đó, những người trung thành với gia tộc Shinawatra đã bày tỏ sự cảm thông với động thái bất ngờ của bà, cho rằng phán quyết có thể đã được ấn định từ trước vì vụ án mang động cơ chính trị.

“Nếu bà ấy chạy trốn ra nước ngoài thì đó là vì các thẩm vấn được quân đội bổ nhiệm và không xuất phát từ một hệ thống dân chủ”, Surachet Chaikosol, 59 tuổi, một nhà hoạt động “Áo Đỏ”, cho hay. “Tôi mừng vì bà ấy sẽ không phải ngồi tù”.

Gia tộc Shinawatra là một gia tộc quyền lực tại Thái Lan. Các đảng phái chính trị do gia tộc này lãnh đạo hoặc ủng hộ đã thống trị chính trường Thái Lan, khi giành chiến thắng trong mọi cuộc tổng tuyển cử từ năm 2001.

Ông Thaksin đã đắc cử thủ tướng năm 2001 và nắm quyền cho tới khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006. Ông này đã chạy trốn ra nước ngoài để tránh một án phạt tù và được cho là hiện sống ở Dubai.

Gia tộc Shinawatra vấp phải sự chống đối của phe bảo hoàng, tầng lớp trung lưu và quân đội, nhưng lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người nghèo, đặc biệt là nông dân ở phía bắc và đông bắc Thái Lan.

An Bình

Theo AFP, Reuters