1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đại án VNCB: Đề nghị y án 30 năm đối với Phạm Công Danh

(Dân trí) - Đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị y án 30 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh.

Sáng 10/1, phiên phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và các đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng bước vào phần tranh luận.

Đề nghị y án đối với 25 bị cáo

Đại án VNCB: Đề nghị y án 30 năm đối với Phạm Công Danh - 1

Các bị cáo trong đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB bị đề nghị y án sơ thẩm.

Xét kháng cáo của 25 bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Phạm Công Danh là người đã chỉ đạo cho cấp dưới tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện hành vi phạm tội. Thủ đoạn của các bị cáo rất tinh vi, gây thất thoát cho VNCB 9.000 tỉ đồng, hậu quả của các bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng. Án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ đối với các bị cáo, vì vậy cần giữ nguyên hình phạt tổng hợp 30 năm tù đối với bị cáo Danh.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của 25 bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo.

Về hành vi rút số tiền 5.910 tỉ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỉ đồng không có hồ sơ vay gây thiệt hại 5.190 tỉ đồng cho VNCB, đại diện VKS khẳng định ông Danh có vai trò chỉ đạo, dùng các hợp đồng vay tiền để rút tiền của VNCB.

Liên quan đến hành vi này, có các khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh và một số khách hàng, VKS cho biết những người này không thực hiện đúng mục đích vay tiền từ VNCB. Vay tiền ra không sử dụng cho mục đích kinh doanh mà cho ông Danh vay lại.

VKS cho rằng việc Phạm Công Danh cố ý làm trái gây thất thoát của VNCB 5.490 tỉ đồng có sự giúp sức của Phạm Thị Trang, ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích. Công tố viên phân tích, số tiền 5.190 tỉ đồng là việc rút tiền bằng các hành vi vay giả tạo, gây thiệt hại cho VNCB. Hành vi này, Phạm Công Danh cũng được xác định là đúng vai trò chỉ đạo. Liên quan đến hành vi có các khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh và một số khách hàng.

Theo VKS, họ đã không thực hiện đúng mục đích tiền vay, cho Danh vay tiền. Số tiền này thực chất là thực hiện theo thỏa thuận vay giữa Danh và ông Thanh.

Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị y án 30 năm tù.
Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị y án 30 năm tù.

Liên quan đến hành vi này, tòa sơ thẩm đã khởi tố vụ án đối với Phạm Thị Trang (tức Trang phố núi) là có căn cứ. Tuy nhiên việc tòa sơ thẩm chưa xem xét vai trò của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích, Võ Thị Như Thảo… là bỏ lọt người phạm tội.

Từ đó VKS đề nghị bác kháng cáo của nhóm ông Thanh và bà Bích liên quan đến việc không tịch thu số tiền 5.190 tỉ, trả lại sổ tiết kiệm, giải tỏa tài sản kê biên... Và chấp nhận một phần kháng cáo của Danh sửa án trong việc thu hồi đối với khoản gốc lãi liên quan.

Đặc biệt chú ý, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích, Võ Thị Như Thảo và Trần Trọng Nghĩa (2 nhân viên của VNCB) với vai trò đồng phạm, tiếp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 5.190 tỉ đồng.

‘Không lẽ chúng tôi đi rút trộm tiền của chính mình’

Các bị cáo liên quan đến vụ án tại toà.
Các bị cáo liên quan đến vụ án tại toà.

Sau khi đại diện VKS trình bày quan điểm của mình, trong đó có nhận định Bản án sơ thẩm đã không xem xét vai trò đồng phạm của ông Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích là thiếu sót, đại diện của ông Trần Quí Thanh là ông Phan Vũ Tuấn cho rằng việc ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích có vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh hay không? đã được đặt ra từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Kết quả là ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích không có bất cứ hành vi gì vi phạm pháp luật, không cho vay nặng lãi, không đồng phạm với Phạm Công Danh trong hành vi cố ý làm trái hay vi phạm quy định về cho vay.

Trong vụ án này, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích và các cộng sự gửi tiền tại VNCB, hiện nay đang có nguy cơ bị mất tiền theo phán quyết của án sơ thẩm, đó chính là lý do mà các cá nhân này kháng cáo.

Thực tế không có và không thể có chuyện ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích đồng phạm với Phạm Công Danh để lấy tiền của chính mình.

"Đồng phạm là cùng chung ý chí, cùng chung hành động, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích là khách hàng gửi tiền, vay tiền tại VNCB. Phạm Công Danh cùng các đồng phạm rút tiền tại VNCB, không có bất cứ lý do gì, lợi ích gì để ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích đồng phạm với Phạm Công Danh", ông Tuấn nhấn mạnh.

Việc ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích vay tiền VNCB là cầm cố sổ tiết kiệm của chính mình, làm đúng theo sự hướng dẫn của VNCB, không liên quan gì đến hành vi của Phạm Công Danh.

Về vấn đề bỏ lọt tội phạm, ông Tuấn cho biết, ông rất ngạc nhiên với quan điểm của VKS. Việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án như: Tại sao Phạm Công Danh có tiền án lại được làm Chủ tịch, không có năng lực tài chính vẫn được mua ngân hàng; tại sao VNCB thua lỗ nhiều năm mà Phạm Công Danh vẫn có thể che giấu thông tin để huy động tiền gửi rồi rút tiền của ngân hàng; tại sao cơ quan quản lý nhà nước không ngăn chặn hành vi của Phạm Công Danh; hành vi của Phạm Công Danh có dấu hiệu của tội chiếm đoạt, Phạm Công Trung có dấu hiệu đồng phạm với Phạm Công Danh; nhiều cá nhân tham gia hạch toán sai, giúp Phạm Công Danh rút tiền từ tài khoản của Trần Ngọc Bích không bị xử lý; xấp xỉ 10.000 tỷ đồng không biết Phạm Công Danh chi tiêu vào đâu, trả nợ vào việc gì…Những vấn đề cốt yếu của vụ án đã không được VKS nhắc đến. Nhưng ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích là nạn nhân của sự việc này, đang mất tiền thì lại bị đặt vấn đề là có đồng phạm hay không?

Trung Kiên - Xuân Duy