Vụ 65% nước mắm khảo sát có thạch tín vượt ngưỡng:

Vinastas khẳng định làm đúng và sẵn sàng hầu tòa nếu bị kiện

(Dân trí) - Xung quanh vụ công bố 67% nước mắm có arsen tổng (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép đang gây nhiều ý kiến trái chiều, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) khẳng định: Số chi phí để cơ quan này tiến hành khảo sát 150 mẫu nước mắm, trên địa bàn 19 tỉnh là do nhà tài trợ. Tuy nhiên, ông này từ chối cho biết tên nhà tài trợ.

Theo khẳng định của ông Tuấn, Hội không nhận tiền của doanh nghiệp nào trong quá trình khảo sát và làm đúng theo luật pháp, bài bản, trách nhiệm và sẵn sàng hầu tòa đến cùng nếu bị kiện.

Cụ thể, trong cuộc trả lời báo chí tại trụ sở của Hội này ngày 18/10 về ý kiến một số hội và doanh nghiệp cho rằng: Vinastas chịu tác động của doanh nghiệp bên ngoài, đưa ra báo cáo không có trách nhiệm gây rúng động dư luận, ông Tuấn khẳng định: Hội không nhận tiền của doanh nghiệp trong cuộc khảo sát.


Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) khẳng định làm đúng theo luật pháp, bài bản, trách nhiệm và sẵn sàng hầu tòa đến cùng nếu bị kiện.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) khẳng định làm đúng theo luật pháp, bài bản, trách nhiệm và sẵn sàng hầu tòa đến cùng nếu bị kiện.

Trước đó sau cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra các mẫu nước mắm nhiễm arsen ngày 17/10, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về việc tại sao chỉ công bố arsen tổng, trong khi không công bố khảo sát các hoạt chất như chì, thủy ngân hay 3MCPD. Nhiều chuyên gia cũng đã khăng định, arsen tổng (gồm cả arsen hữu cơ) không quy định bắt buộc phải công bố, chỉ công bố arsen vô cơ. Đây cũng là điều mà các nước đã và đang làm.

Trả lời về vấn đề này, ông Tuấn khẳng định: Khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều arsen tổng, theo nguyên tắc, chúng tôi tiến hành kiểm nghiệm xem đó có phải là arsen vô cơ hay không? Cuối cùng kết quả các mẫu đều không có.

"Việc công bố là vì trong quy chuẩn của pháp luật quy định sẵn. Khi phát hiện arsen phải thử ngay. Chúng tôi gửi thông điệp này đến nhà quản lý để họ xem xét hợp lý hơn. Chúng tôi không có kinh phí để thực hiện các kiểm nghiệm nhiều hoạt chất khác. Chúng tôi có nhà tài trợ nhưng tôi không tiết lộ được", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông này cho hay: "Trong công bố, chúng tôi đã giải thích rõ tính chất arsen, trong quy định hiện hữu nước chấm 1mg/L, còn ở đây kết quả công bố là arsen tổng thì là vô hại".

Tuy nhiên, trả lời nghi vấn kết luận nước mắm có độ đạm càng cao thì arsen tổng càng lớn, gây hiểu lầm cho người dân và ảnh hưởng đến các DN sản xuất nước mắm, ông Tuấn nói: "Nếu arsen đấy là arsen hữu cơ thì nó cũng không ảnh hưởng gì, chúng tôi đã giải thích rất rõ. Còn thông điệp 95% nước mắm có độ đạm càng cao, arsen tổng cao, cái người ta thấy và nhà quản lý phải xem xét chuyện này".

Ông Tuấn khẳng định: "Hội không có sự tiếp tay của doanh nghiệp. Hội đưa thông tin để người tiêu dùng biết, nhà quản lý biết.... Hội làm đúng theo luật pháp, đúng bài bản và đúng trách nhiệm của mình. Doanh nghiệp nào bị công bố nếu chứng minh được mình đúng mà kiện chúng tôi ra tòa thì chúng tôi sẵn sàng hầu tòa đến cùng".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển Thủy sản bền vững, Hội nghề cá Việt Nam: Trong cấu trúc thịt của cá có thành phần Arsenic, thành phần này không có độc tố. Trong chỉ tiêu kiểm tra của thế giới đều không hề nói tới Arsen tổng. Khi kiểm nghiệm cũng chỉ quan tâm và công bố lượng Arsen vô cơ có trong sản phẩm. Tất cả các mẫu nước mắm của Vinastas kiểm nghiệm đều không nhắc tới Arsen vô cơ, tức là, nước mắm của nước ta sản xuất là an toàn.

Nước mắm là sản xuất từ cá cho vào với muối rồi lên men phân giải tự nhiên. Còn lại, nước mắm cộng với một số thành phần nào đó để tạo thành nước mắm thì cần phải xem xét lại. Từ xưa tới nay, cha ông ta đã sản xuất nước mắm từ cá - muối và chẳng ai bị làm sao cả. Nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống thì xác định không có độc tố, có nghĩa đến bây giờ cũng sẽ không có độc, người tiêu dùng không phải lo gì cả.

Đồng thời chia sẻ với PV Dân Trí, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết: "Arsen hữu cơ tồn tại tự nhiên trong cá, không có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Mắm cá chúng ta làm từ hàng nghìn năm nay. Cần xem lại rất cẩn thận, không thể đánh đổi nghề cha truyền con nối, đặc sản của Việt Nam. Thông tin đưa ra không chính xác làm hoang mang dư luận, người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, người ngư dân".

Còn ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho hay: "Mắm cá làm từ cá biển, là nghề truyền thống, do đó việc công bố arsen trong nước mắm cần có những kết luận chính xác, có khoa học và thuyết phục. Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nghề truyền thống và đặc biệt là ngư dân".

Nguyễn Tuyền