1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TS Vũ Đình Ánh: Người ta nói "Thu thuế cũng như "vặt lông vịt", đừng để kêu toáng lên"

(Dân trí) - Tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam 2017 diễn ra tại Hà Nội sáng nay (22/6), nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung tay mổ xẻ và đưa ra giải giúp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và doanh nghiệp (DN) Việt nói chung thực sự trở thành động lực phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng tình: Cản trở khu vực hành chính Nhà nước, cơ chế quản, kiểm và xin cho hay phân hoá khu vực DN đang là trở lực lớn nhất khiến kinh tế tư nhân chậm thay đổi, khó trở thành động lực phát triển đất nước trong nay mai.


TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

Nói nhiều, khát vọng nhiều, làm được bao nhiêu?

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh: Vì sao DN còn nhỏ và khó lớn lên được, bởi vì chúng ta có quá nhiều rào cản, nói “chặt chém quy định” trái luật đi nhưng chặt mãi lại không đứt. Cơ chế và mô hình kinh tế thị trường của chúng ta thực hiện ngập ngừng; quản lý Nhà nước thò tay vào làm méo mó thị trường và nền kinh tế.

"Việt Nam không những có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà còn rơi vào bẫy mô hình phát triển. Điều này được minh chứng là chúng ta đã và đang không tìm ra mô hình nào để giúp tăng trưởng trong khi vẫn quẩn quanh khi mô hình cũ, xung đột tăng trưởng và phát triển bền vững..." ông Hồ nói.

Theo TS Hồ, chúng ta nói nhiều, khát vọng nhiều, nhưng làm thế nào để hành động tốt hơn thì chưa.

"Trong khi bộ máy không sửa đổi, không biết tinh giảm ở đâu thì chi thường xuyên vẫn cao là điều lặp lại. Hơn nữa, hoạt động của guồng máy kinh tế là cơ chế xin cho giữa DN và Nhà nước hay cơ chế ban phát của Nhà nước cho địa phương vẫn là chủ đạo… Vậy thử hỏi động lực của bộ máy, động lực cải cách ở đâu?", ông Hồ nói.

Với vai trò chủ tọa, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: Phát triển DN Việt Nam nói chung và tư nhân nói riêng là chuyện chúng ta đã nói từ 30-40 năm nay. Nhưng "phát triển DN rất đơn giản song nó là trăn trở, là cả quá trình vận động tư duy chính sách hàng chục năm, đến giờ vẫn còn nhiều câu hỏi và nhiều "ổ gà, mấp mô" cho sự phát triển này", TS Thành trăn trở.

Ông Thành nghĩ: Có ba vấn đề chúng ta buộc phải tìm ra lời giải là tại sao DN Việt không lớn được? Không tham gia được vào chuỗi giá trị mạng sản xuất mà cứ bảo các tập đoàn lớn chi phối? DN có thể làm ăn nhưng đổi mới sáng tạo hạn chế. Số DN 2 năm qua tăng nhiều nhưng GDP không to ra, trong khi Chính phủ có nhiều chính sách thúc đẩy tận nơi?

Thu thuế cũng như vặt lông vịt, đừng để vịt kêu to

Ông Đậu Anh Tuấn, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lý giải ngay: Các nhà đầu tư nước ngoài sợ Việt Nam ban hành quá nhiều quy phạm pháp luật. Luật pháp của Việt Nam thay đổi quá nhiều, thậm chí có quy định sau phủ nhận cái trước.

Về chính sách thuế, theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: "Thuế suất về cơ bản, tôi cho rằng ổn không có vấn đề gì. Về quy trình, không biết ai áp đảo ai, nhưng đúng từ góc độ trung gian tôi cho rằng vấn đề quản lý thuế của Việt Nam hiện nay khá ổn".

"Tôi nhớ mãi người ta khi dạy về thuế có hai thứ con người không tránh được là cái chết và thuế. Tuy nhiên, người ta cũng dạy một câu rất rõ ràng rằng, thuế là gì là thu thuế như vặt một con vịt, vặt làm sao được càng nhiều lông càng tốt nhất là trong bối cảnh ngân sách như thế này", TS Ánh cho hay.

Ông Ánh chia sẻ thêm: Đấy là sách giáo khoa người ta dậy. Nhưng vấn đề làm sao để nó kêu ít nhất, đừng để nó kêu toáng lên, đấy là thuế thôi, rất đơn giản. Vấn đề ở đây là thế này, thuế suất... ổn, các cơ sở tính thuế theo tôi cũng ổn. Bây giờ là vấn đề thực thu thuế mà thôi.

TS Thành nhấn mạnh: Bài toán về thuế cũng phải đánh giá công bằng. Các cơ sở tính thuế của Việt Nam hiện nay rõ ràng là không phải thấp, nếu cứ đánh thuế quá cao sẽ làm thui chột tiềm năng phát triển. Trong khi, chúng ta thấy có những lĩnh vực xuất hiện tình trạng tận thu, lạm thu. Còn ở một số lĩnh vực khác thì thu chưa đủ, thậm chí không biết thu như nào, không thu được.

Nguyễn Tuyền