1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chính phủ: Khai thác tốt nguồn thu bảo vệ môi trường, tăng tỷ trọng thu thuế, phí

(Dân trí) - Theo chương trình hành động của Chính phủ, thời gian tới, cơ quan điều hành sẽ tiến hành khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng tỷ trọng thu từ thuế và phí trong tổng thu ngân sách Nhà nước.

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Kiên quyết cắt giảm các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết

Theo đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rà soát danh mục các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN, vốn vay nợ công, kiên quyết cắt giảm các chương trình, dự án không đảm bảo hiệu quả, chưa thực sự cần thiết.

Luật Đầu tư công sẽ tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện, đổi mới căn bản thể chế quản lý đầu tư công, đặc biệt công tác lập dự án và đánh giá, thẩm định dự án, cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng.

Cơ quan điều hành dự kiến cũng sẽ có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường; hạn chế, loại bỏ các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Thu từ bảo vệ môi trường là một hướng đi được Chính phủ lưu ý trong việc cơ cấu lại nguồn thu NSNN.
Thu từ bảo vệ môi trường là một hướng đi được Chính phủ lưu ý trong việc cơ cấu lại nguồn thu NSNN.

Chương trình của Chính phủ cũng đề ra kế hoạch thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ để sử dụng cho đầu tư phát triển và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách.

Trong lĩnh vực ngân hàng, đến năm 2020, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay bảo đảm cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng nêu rõ thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Phấn đấu giảm bội chi NSNN tối thiểu như mức Nghị quyết của Quốc hội đề ra, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay, tăng dự trữ Nhà nước.

Đáng chú ý, Chính phủ sẽ hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong cơ cấu thu sẽ tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng tỷ trọng thu từ thuế và phí trong tổng thu NSNN.

Song song với đó, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.

Không sử dụng tiền ngân sách để tái cơ cấu DNNN, xử lý nợ xấu

Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra phương án triển khai cơ chế cho vay lại đối với các chính quyền địa phương, cơ chế chia sẻ rủi ro tín dụng với các cơ quan cho vay lại. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm.

“Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát NSNN; không sử dụng NSNN để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn” - Chương trình nêu rõ.

Một nội dung đáng chú ý tại chương trình này đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về NSNN và nợ công.

Trong kiện toàn bộ máy, thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị.

Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý NSNN và trả nợ công...

Bích Diệp