1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế tư nhân chỉ muốn "công bằng", không cần "xin cho" ưu đãi

(Dân trí) - Tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 đang diễn ra tại Hà Nội ngày 22/6, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao tỷ lệ đóng góp trong chuỗi giá trị của nền kinh tế và cởi bỏ những rào cản để khu vực có số lượng doanh nghiệp (DN) lớn nhất nước có động lực phát triển.

Theo TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế độc lập, cần làm rõ vấn đề của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần được đối xử bình đẳng, không cần ban phát, xin cho ưu đãi.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần được đối xử bình đẳng, không cần ban phát, xin cho ưu đãi.

Không nên ban phát, xin cho ưu đãi

Theo ông Ánh, điều kiện tiên quyết để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, trở thành động lực là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác, trong đó có DN Nhà nước, khu vực FDI.

Ông Ánh cho rằng, hiện chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động.

"Hiện nay khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn FDI lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng, trong khi yêu cầu được tôn trọng lại chưa chủ động để được tôn trọng. Tư tưởng chờ đợi sự "ban phát", “xin – cho” và "dựa dẫm" vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến", TS Ánh cho biết.

Ngoài một số ưu đãi tạm thời, theo chúng tôi, cơ bản không nên áp dụng các chính sách ưu đãi cho DN, kể cả chính sách cho DN nhỏ và vừa được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp,..., tránh tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và làm mất giá trị thật của các ưu đãi.

Đóng góp ý kiến, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp, khiến nảy sinh bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro; hạn chế cạnh tranh; hạn chế sáng tạo - kinh doanh theo chuỗi; gia tăng chi phí; và tác động không cân đối đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng: Cải cách quy định về điều kiện kinh doanh cho đến nay đạt được kết quả rất hạn chế. Thực tế cho thấy, cải cách theo phương thức áp đặt từ trên xuống và thông qua một cơ quan độc lập đạt được kết quả tốt hơn.

“Khôn dựng trại, dại dựng nhà”

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): DN tư nhân tham gia vào phát triển chuỗi rất thấp, mặc dù khu vực FDI hiện diện trong nền kinh tế ở nhiều mặt, nhưng tác động lan toả, đặt hàng công việc và tạo dựng cơ hội cho DN tư nhân rất ít.

Theo đại diện VCCI, sự rạn nứt của DN FDI và DN trong nước khiến nền kinh tế chia rẽ thành 2 phần, sự rạn nứt này đang đặt ra đòi hỏi Nhà nước phải gắn kết, hài hòa ngân sách.

Ông Tuấn nói: Hiện DN lớn đang bị thanh tra kiểm tra rất nhiều, trong khi đó DN nhỏ thì ít hơn. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao rất nhiều cơ sở kinh doanh, DN nhỏ không dám lớn và không muốn lớn.

"Khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà, nhiều DN nhỏ và vừa đang đồng ý với quy mô của mình bởi họ sợ thanh kiểm tra của cơ quan thuế, hành chính Nhà nước đang nhắm vào DN lớn và có thể nhắm đếm mình. Có DN nói, hôm trước mới gặp cơ quan thuế kiểm tra, hôm sau lại gặp tiếp đoàn thanh tra về chính sách bảo hiểm, môi trường …", ông Tuấn nói.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm