TS Lưu Bích Hồ: Thảm họa của Formosa do mất điện… không thuyết phục!
(Dân trí) - “Tôi không phải chuyên gia kỹ thuật, không phải cơ quan điều tra... nên không quy kết. Tuy nhiên, lập luận của Formosa cho rằng mất điện khiến công ty này không quản lý được xả thải, nên gây ra thảm họa môi trường, tôi thấy hết sức vô lý!”. TS Lưu Bích Hồ khẳng định.
Sau khi Chính phủ công bố thủ phạm và nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam là do Tập đoàn Formosa, một doanh nghiệp đang đầu tư dự án sắt thép 10 tỷ USD tại Hà Tĩnh gây nên, chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trao đổi với phóng viên Dân Trí:
Thưa ông, Formosa có nêu lý do mất điện gây nên không kiểm soát được xả thải. Tuy nhiên, điện do chủ đầu tư này tự làm và đã khánh thành tổ máy số 1 vào tháng 9/2015. Việc cấp hoặc cắt điện là do chủ đầu tư, chỉ khi nào công suất dư thừa mới bán lên lưới điện quốc gia. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Trong kế hoạch, Formosa xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất 650MW, gồm 5 tổ máy phát điện. Tháng 9/2015 họ đã khánh thành tổ máy số 1.
Formosa đến cuối cùng mới đưa ra lý do đó đã khiến người dân rất nghi ngờ. Câu hỏi đặt ra là vì sao Formosa lại đưa ra lý do khi cuối cùng phát hiện được nguyên nhân? Có hay không sự biện minh cho hành động của mình? Tại sao ngay sau khi sự cố xảy ra, họ không báo cho cơ quan chức năng biết: Chúng tôi đã bị mất điện, có thể ảnh hưởng đến xả thải?.
Bên cạnh đó, mất điện ở đâu, bộ phận nào thì Formosa không nói rõ. Chẳng nhẽ mất điện bất khả kháng ở khu vực kiểm soát nước thải, trong khi vẫn có điện ở khu vực xả thải, khu vực sản xuất à? Anh mất điện thì phải dừng thử nghiệm, ngừng hoạt động chứ, mất điện mà đường ống vẫn xả thải là điều vô lý?
Lý do mất điện gây thảm họa có thể khiến xoa dịu dư luận không thưa ông?
Trong Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam ghi rõ: Tội phạm hình sự có những tình tiết tăng nặng phụ thuộc vào anh cố tình hoặc vô thức để xảy ra hậu quả. Như vậy, nếu Formosa đưa ra lý do họ mất điện, tức là vi phạm không chủ ý, vi phạm này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu đưa ra lập luận này, thì họ phải làm sáng tỏ điều này cho dư luận biết.
Sự việc cố ý hoặc ngẫu nhiên đều có tính chất khác nhau, nếu bây giờ anh sập giàn ráo gây tai nạn lao động thì tôi có thể cho đó là ngẫu nhiên nhưng việc này anh xử lý môi trường trong quy trình của anh, thì không thể ngẫu nhiên được. Tôi không phải chuyên gia kỹ thuật, không phải cơ quan điều tra... nên không quy kết. Tuy nhiên, lập luận của Formosa cho rằng mất điện khiến công ty này không quản lý được xả thải, nên gây ra thảm họa môi trường, tôi thấy hết sức vô lý.
Vụ việc càng dấy lên lo ngại về thông tin trước đó Formosa nhập hơn 400 tấn hóa chất độc hại để xúc rửa đường ống, nếu Formosa xả thải hết số chất độc này ra biển, thì hậu quả sẽ khôn lường. Chính vì vậy, họ cần đưa ra con số hóa chất đã sử dụng, số còn lại.
Quay trở lại câu chuyện Formosa cam kết đền bù cho sự việc gây ra, nhiều người cho rằng đây là con số đền bù lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, dư luận đang muốn Formosa phải đền nhiều hơn?
Kinh nghiệm quốc tế là doanh nghiệp khi đầu tư phải dành 20% vốn đó để đầu tư các hạng mục phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Formosa đầu tư 10 tỷ, thì số 500 triệu USD mới bằng 1/4 tổng vốn. Như vậy, chưa ai biết Formosa đã chi bao nhiêu để bảo vệ môi trường.
Liệu rằng sau khi chi tiền đền bù, họ có thực hiện đúng cam kết chi đúng, đủ số tiền để bảo vệ môi trường hay không, đó là câu hỏi và là vấn đề cần các cơ quan vào cuộc. Còn bồi thường bao nhiêu là chúng ta phải sau khi thống kê các thiệt hại trực tiếp, gián tiếp đối với ngư dân, đối với biển. Còn rất nhiều vấn đề khác như làm sạch môi trường, khử chất thải... còn rất nhiều vấn đề để giải quyết.
Còn về xử phạt thêm, thì chúng ta cần có trình tự pháp luật. Cơ quan công an phải đưa ra chứng cứ đầy đủ để xử phạt, còn số tiền trên, Chính phủ chỉ thương thảo bước đầu để Formosa đền bù thôi. Chính phủ là cơ quan hành pháp thì không đứng ra khởi kiện, phải có bên đứng ra khởi kiện riêng và trách nhiệm làm việc bây giờ là cơ quan tư pháp, cụ thể là cơ quan công an.
Hiện mọi dư luận đang hướng về chỉ trích Formosa, tuy nhiên, trách nhiệm để xảy ra hậu quả cũng liên quan đến năng lực cấp phép, giám sát và quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Vậy, việc này, trách nhiệm của họ đến đâu?
Anh (cơ quan chức năng cấp phép cho dự án - PV) cấp phép, phê chuẩn cho Formosa đầu tư, cho xây dựng đường ống xả thải, nhập hóa chất hay ưu đãi này kia thì phải có giám sát, quản lý chứ. Anh không làm được thì phải nêu rõ trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm chứ. Thủ tướng và Chính phủ đã nói: Truy tới cùng thủ phạm và chỉ trách nhiệm, chúng ta phải làm chứ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bộ Công thương, Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh được cấp điện bởi Nhà máy điện Formosa Hà Tĩnh do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa làm chủ đầu tư, quản lý, vận hành, gồm 2 tổ máy 150 MW, cấp điện cho toàn bộ nhu cầu điện năng của Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh, phần điện dư của nhà máy (sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu nội bộ) sẽ được bán lên lưới điện Quốc gia. Hệ thống lưới điện nội bộ trong khu công nghiệp do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành.
Nguyễn Tuyền
Thực hiện