“Bồi thường 500 triệu USD là chưa đủ, Formosa còn phải nộp phạt”
(Dân trí) - Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TPHCM cho rằng, bên cạnh xác định được địa chỉ tổ chức/người dân được nhận bồi thường, cách sử dụng tiền bồi thường thì Chính phủ cần buộc Formosa phải nộp phạt.
500 triệu USD bồi thường có đủ?
Gia đình chị Hoàng Phương sống và làm việc ở Hà Nội nhưng quê ở Quảng Bình. Đều đặn hàng tuần, người nhà đều gửi đồ quê là cá, mực, tôm, cua... Thế nhưng 3 tháng qua, không một chuyến hàng nào được gửi ra, bữa ăn gia đình vắng bóng hải sản. Kỳ nghỉ hè, đưa con về chơi ông bà nội, ngoại nhưng chị Phương cũng không dám cho con xuống tắm biển.
“Nhớ biển”, đó là chia sẻ của không chỉ chị Phương mà hầu hết những người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thời gian này.
Ghe thuyền neo đậu lại, lưới xếp một góc sân, nhiều người dân mong đợi một công việc khác khi áp lực trả nợ, áp lực chi tiêu mỗi ngày một lớn, dù ngư nghiệp đã được truyền nối đời này đến đời khác.
Chiều 30/6, sau khi bị xác định là thủ phạm gây ra sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) đã công khai xin lỗi, cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).
Như vậy, sau 85 ngày mòn mỏi, người dân đã được tháo gỡ một phần vướng mắc và có thêm hy vọng, bởi ít nhất thì cũng đã có người đứng ra chịu trách nhiệm và bồi thường cho họ, hỗ trợ họ có công ăn việc làm và thu nhập khi đã mất đi kế sinh nhai.
Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều băn khoăn. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đặt câu hỏi về con số tuyệt đối 500 triệu USD mà Formosa cam kết sẽ bồi thường. Vì sao lại là 500 triệu USD?
“Lấy dân số cả nước nhân với 5 USD/người? Lấy số dân trực tiếp bị ảnh hưởng trong 4 tỉnh là khoảng 1 triệu dân nhân với 500 USD/người? Hay lấy 5% tổng vốn đầu tư theo thông lệ trích lập dự phòng rủi ro hay dự trù chi phí phát sinh..? Lấy km bờ biển có cá chết nhân với 1 triệu USD một cây số (1000 USD một mét) mặt tiền?”…
Sau khi đặt ra các giả thiết nói trên, TS. Nguyễn Đức Thành vẫn cảm thấy chưa liên quan đến giá trị quy đổi tổn hại về kinh tế - xã hội - môi trường - sinh kế - chỉ dẫn địa lý của miền Trung và cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Ngoài việc truy cứu các trách nhiệm khác (để quyết định có cho tiếp tục hay chấp dứt hay điều chỉnh hoạt động đầu tư – kinh doanh), chỉ xét riêng về tài chính thì Formosa không chỉ có bồi thường không mà còn phải nộp phạt.
“Cũng không thể chỉ một con số tổng mà phải xác định rõ các cá nhân/tổ chức được nhận, và riêng với tiền nộp cho tổ chức nhà nước thì sẽ được dùng như thế nào để khắc phục, phục hồi môi trường”, ông Thành nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Chính phủ cần bắt buộc Formosa thành lập một quỹ nộp phạt và bồi thường. Theo một khung thời gian rõ ràng, Formosa sẽ phải nộp tiền vào quỹ để thực hiện việc nộp phạt cho Chính phủ Việt Nam vì vi phạm pháp luật, bồi thường thiệt hại kinh tế cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng và bồi thường thiệt hại cho Chính phủ Trung ương và các chính quyền địa phương để khắc phục và phục hồi môi trường biển.
Chính phủ cần kiên quyết đóng cửa đối với các mời chào đầu tư lợi bất cập hại
Chia sẻ trên trang cá nhân, nhà báo Trần Đăng Tuấn trăn trở: Điều đáng lo nhất là các kim loại nặng còn nằm dưới đáy biển, còn theo các dòng hải lưu. Độ độc hại cũng những chất này đến mức nào và có cách gì để khắc phục?
Dù vậy, theo đánh giá của ông Tuấn, việc buộc Formosa phải nhận là thủ phạm chắc chắn không phải việc đơn giản, và làm được điều này là một việc rất quan trọng. Nhưng đó chưa phải là khó nhất.
Theo ông, “buộc cái cung cách chấp nhận những dự án đầu tư mang mầm mống tai hoạ vào nhà, mà (thật kinh ngạc) sau đó hầu như bỏ bê hoàn toàn việc giám sát những dự án đó - buộc cái cung cách đó phải chấm dứt và những người làm theo cung cách đó phải chịu trách nhiệm, sẽ là việc khó khăn hơn nhiều so với việc buộc Formosa nhận tội”.
Ông Tuấn cũng bày tỏ quan ngại vì không chỉ 1 Formosa mà còn có nguy cơ của những “Formosa” khác.
“Những dự án khác kiểu nhà máy giấy trên bờ sông Hậu là sự đe doạ không chỉ đối với môi trường thiên nhiên, mà còn đối với mọi lĩnh vực của đất nước. Một hiểm hoạ khó lường hết và không thể đong đếm, không thể bù đắp khi xảy ra”.
Chính vì vậy, ông Tuấn kỳ vọng Quốc hội sẽ đặt ra chương trình giám sát tối cao với các dự án tiềm ẩn nguy cơ với môi trường, Chính phủ sẽ kiên quyết đóng cửa đối với các mời chào đầu tư lợi bất cập hại.
Đồng thời, nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng đặt ra vấn đề, cần hành lang cho các tổ chức xã hội dân sự theo dõi giám sát bảo vệ môi trường, bởi việc liên quan đến toàn dân thì phải có “tai mắt” của dân ở đó.
TS. Nguyễn Xuân Thành dẫn lại vụ việc năm 2010, trên 470 triệu lít dầu đã tràn ra vùng Vịnh của Hoa Kỳ khi dàn khoan dầu Deepwater Horizon của Tập đoàn BP (Anh) bị nổ, dẫn tới một thảm họa môi trường nghiêm trọng.
BP sau đó đã khắc phục về mặt tài chính với tổng giá trị trên 20 tỷ USD:
1. Bồi thường ngay thiệt hại kinh tế cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng với giá trị trên 2 tỷ USD sau phán quyến của tòa án theo các đơn kiện cụ thể.
2. Nộp phạt và bồi thường cho Chính phủ Hoa Kỳ sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, trong đó bao gồm:
a. 5,5 tỷ USD tiền phạt dân sự theo Luật Clean Water Act trong vòng 15 năm;
b. 7,1 tỷ USD đền bù thiệt hại tài nguyên thiên nhiên cho Chính phủ Liên bang và chính quyền 5 bang ven biển vùng Vịnh trong vòng 15 năm;
c. 4,9 tỷ USD đền bù theo các đơn kiện thiệt hại kinh tế của 5 bang ven biển vùng Vịnh trong vòng 18 năm.
d. 1 tỷ USD đền bù theo các đơn kiện của trên 400 cơ quan chính quyền địa phương.
Bích Diệp