Trái chiều về dự thảo quy định Nhà nước độc quyền 20 loại hàng hóa, dịch vụ

(Dân trí) - Với mục đích tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất đầu tiên về độc quyền Nhà nước nhưng dự thảo Nghị định quy định mới nhất về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia.

Sản xuất vàng miếng, vàng nguyên liệu là 1 trong 20 ngành nghề kinh doanh Nhà nước độc quyền.
Sản xuất vàng miếng, vàng nguyên liệu là 1 trong 20 ngành nghề kinh doanh Nhà nước độc quyền.

Bộ Công Thương mới đây vừa công bố bản dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại. Ban hành kèm dự thảo Nghị định là danh mục 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền như hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích an ninh quốc phòng, vật liệu nổ công nghiệp, vàng miếng, vàng nguyên liệu, xổ số kiến thiết; thuốc lá điếu, xì gà...

Theo Bộ Công Thương, dự thảo nghị định này nhằm quy định chi tiết thi hành khoản 4 điều 4 về “thương nhân”, Luật Thương mại năm 2005 với quy định: “Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước”.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất đầu tiên về độc quyền Nhà nước, qua đó tăng tính hiệu quả, minh bạch của quản lý Nhà nước đối với với các hoạt động độc quyền.

Vi hiến và trái nhiều luật?

Bình luận về dự thảo nghị định này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu như trước đây, việc quy định phân biệt đầu tư, kinh doanh theo lĩnh vực độc quyền hay không độc quyền của Nhà nước, thì đến nay cần được hiểu là chuyển sang điều kiện kinh doanh. Vì vậy, nếu ban hành Nghị định trên thì sẽ có nhiều nội dung vi hiến và trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 về về quyền tự do kinh doanh.

Cụ thể, theo ông Đức, Hiến pháp năm 1992 và 2013 không còn bất kỳ quy định nào về việc độc quyền Nhà nước. Trong khi đó, khác với trước đây, hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều được Nhà nước “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế” theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Như vậy, không còn việc phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp phi nhà nước.

Ông Đức cũng dẫn Luật đầu tư năm 2014 cho biết, khác với quy định trước đây, hiện nay chỉ cấm các doanh nghiệp không được đầu tư kinh doanh trong 7 ngành, nghề cấm theo quy định tại Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”. Còn lại thì được tự do đầu tư kinh doanh hoặc khi đáp ứng được các điều kiện đối với 243 ngành, nghề theo quy định tại Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.

Cũng theo ông Đức, hiện nay là Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ quy định về “doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích” và thay thế bằng quy định sản phẩm, dịch vụ công ích, tức là không còn gắn với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, từ năm 2017 trở đi quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật thay vì nghị định, thông tư như trước đây. Ngoài ra, khác với trước đây sản phẩm hàng hoá, dịch vụ độc quyền nhà nước gắn liền với nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước, thì hiện nay sản phẩm, hàng hoá độc quyền nhà nước vẫn có thể do các doanh nghiệp phi nhà nước đảm nhận việc sản xuất, xuất nhập khẩu, cung ứng, thực hiện.

Ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh, quy định "thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn” đã được áp dụng trong suốt 12 năm qua theo Luật Thương mại, vì vậy đã đến lúc xem lại và giảm thiểu việc độc quyền này để thực sự phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường.

"Trước đây, việc quy định phân biệt đầu tư, kinh doanh theo lĩnh vực độc quyền hay không độc quyền của Nhà nước, thì đến nay cần được hiểu là chuyển sang điều kiện kinh doanh. Vì vậy, nếu ban hành nghị định trên, sẽ có nhiều nội dung vi hiến và trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền tự do kinh doanh”, ông nói.

Đi ngược lại cải cách, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh?

Trao đổi với báo chí, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đặt ra danh mục mặt hàng độc quyền nhà nước là "phản cải cách" và là "tư duy níu kéo lại quyền cho doanh nghiệp nhà nước".

“Nếu coi tư nhân làm động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng lại có tới 20 ngành nghề chỉ dành cho doanh nghiệp quốc doanh thì nghĩa ra làm sao? Trong đó, có những lĩnh vực tôi thấy là hoàn toàn chẳng mang tính chất nhạy cảm hoặc không có lý do gì thuyết phục để mà giữ lại cho doanh nghiệp nhà nước làm”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Mặt khác, bà Chi Lan cũng cho rằng nếu dự thảo này được phê duyệt, sẽ làm cho thị trường kém minh bạch hơn, khi ở một số lĩnh vực, doanh nghiệp tư nhân hoặc ẩn mình thành “sân sau” cho doanh nghiệp nhà nước, hoặc phải trả giá rất “đắt” để “mua lại” quyền kinh doanh.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, TS Lưu Bích Hồ cho rằng: "Theo tôi, trong danh sách 20 ngành nghề, hầu hết là xác đáng. Có 1 vài ngành nghề cần cân nhắc 1 chút như sách báo, xuất bản bởi vấn đề này cũng rất quan trọng, phải quản lý nhưng đến mức độc quyền thì cân nhắc".

Theo TS Lưu Bích Hồ, những vấn đề khác liên quan tới an ninh quốc phòng thì các nước cũng cấm tư nhân tham gia.

"Chỉ có những nước như Mỹ là không ngại gì, cái gì cũng giao cho tư nhân làm. Việt Nam thì không thể mà có cho làm thì tư nhân cũng không làm được trừ phi sau mời tư nhân nước ngoài vào", ông nói.

Theo ông Hồ, vấn đề cần lưu ý là việc ban hành Nghị định có đúng luật không và phải xem xét lại về mặt làm sao cho đúng quy trình. Bên cạnh đó, là vấn đề liên quan tới quản lý, giám sát sao cho đảm bảo công khai, minh bạch.

"Đứng về phía các doanh nghiệp, chuyên gia nghiêng về lợi ích của doanh nghiệp thì nói Nghị định ảnh hưởng môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần xem xét toàn diện, ảnh hưởng là ảnh hưởng ngành nào, khu vực nào? Với những ngành nào không đáng độc quyền thì đừng quy định độc quyền bởi sẽ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, lợi ích của khu vực nhà nước và tư nhân. Còn nếu thấy quy định là xác đáng thì có vấn đề gì mà ảnh hưởng", ông nhấn mạnh.

Phương Dung