Vẫn cấm kinh doanh vàng “ảo”?
(Dân trí) - Điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015 về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông làm cộng đồng khởi nghiệp lo lắng vừa qua được thống nhất gỡ bỏ nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn kêu gọi vẫn giữ nội dung quy định cấm kinh doanh vàng tài khoản.
Đây là thông tin được Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra khi trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 do Chính phủ trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội ngày 3/10.
Cụ thể, liên quan đến đề xuất bãi bỏ Điều 292 về tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra tán thành.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời sửa đổi lại cấu thành: mức thu lợi bất chính, doanh thu… cho phù hợp.
Bà Nga cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp điện thoại trao đổi với bà, đề nghị giữ lại quy định cấm kinh doanh vàng trên tài khoản.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết thêm, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đều đề nghị giữ lại quy định với kinh doanh vàng tài khoản và kinh doanh đa cấp ở Điều 292.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định góp thêm ý kiến lập luận về việc cần giữ lại quy định cấm với hai hành vi là kinh doanh vàng trên tài khoản và kinh doanh đa cấp bất chính vì việc đó nguy hiểm cho xã hội, cần tiếp tục đấu tranh.
Nhấn mạnh “cơn ác mộng đa cấp” ở các vùng quê nghèo đã khiến cử tri kiến nghị kéo dài, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tha thiết đề nghị giữ nguyên quy định cấm đối với bán hàng đa cấp trên mạng tại bộ luật.
Tiếp tục khó với sức ép thời gian
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ luật Hình sự 2015 phải lùi hiệu lực thi hành kéo theo 3 luật khác cũng bị "treo" hiệu lực.
Về các nội dung sửa đổi khác, Chủ nhiệm UB Tư pháp đề nghị Quốc hội vẫn xem xét dự án luật này trong quy trình qua hai kỳ họp, tức là đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (tháng 5/2016) mới thông qua.
Theo người đứng đầu cơ quan thẩm tra, dự án luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường, việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy, hàng cấm, vũ khí quân dụng…
Tại phiên họp thẩm tra của UB Tư pháp, vẫn còn một số bộ, ngành có quan điểm mâu thuẫn với nhau và khác với quan điểm của Chính phủ và về một số nội dung. Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn.
“Cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian, nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó đảm bảo chất lượng” – bà Nga trình bày.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhận định, nếu chỉ gói trong một kỳ họp lại có thể sơ xuất, nên nhất trí thông qua tại hai kỳ họp.
Không giấu sốt ruột, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích: “Ta phải cố gắng chứ nếu dừng quá lâu thì một số luật khác cũng phải dừng theo và một số chính sách đổi mới, tiến bộ sẽ chậm được áp dụng”.
Chia sẻ băn khoăn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảnh báo, không được lùi quá lâu Bộ luật Hình sự 2015 vì như thế nghĩa là phải lùi luôn 3 luật khác có liên quan (Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam – PV).
P.Thảo