Taxi truyền thống lo Grab, Uber khuyến mại quanh năm

(Dân trí) - Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, có nhiều công ty đang “lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật, sử dụng nguồn vốn lớn để thao túng thị trường”.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Trong văn bản gửi lên một loạt bộ ngành mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trong qua trình hội nhập và phát triển, gần đây có rất nhiều công ty thuộc các tập đoàn đa quốc gia đã gia nhập thị trường Việt Nam, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, giá thành hợp lý.

“Sự xuất hiện của các công ty này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải tự đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh”, Hiệp hội Taxi Hà Nội thừa nhận.

Tuy nhiên, Hiệp hội này cho rằng, có nhiều công ty “lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật, sử dụng nguồn vốn lớn để thao túng thị trường”.

Văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình nêu rõ: “Điều này buộc Nhà nước phải có các công cụ để kiểm soát và điều tiết thị trường nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và công bằng”.

Đáng lưu ý, góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, nếu dự thảo này được thông qua sẽ gây nên những hệ luỵ bất ổn cho nền kinh tế.

Ví dụ được Hiệp hội này dẫn ra là quy định về tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá đối với một nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được quá 90 ngày trong một năm và 1 chương trình khuyến mại, giảm giá không vượt quá 45 ngày sẽ có thể được loại bỏ.

“Nếu điều khoản này được bãi bỏ, có nghĩa là một hàng rào phi thuế quan được bãi bỏ, khi đó một doanh nghiệp có thể khuyến mại kéo dài trong suốt cả năm, giảm giá liên tục nhằm mục tiêu phá giá, thao túng thị trường, tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, chiếm thế độc quyền và gây bất ổn cho nền kinh tế”, Hiệp hội những doanh nghiệp taxi truyền thống lo ngại.

Theo thông tin được Hiệp hội taxi Hà Nội cung cấp: “Ngày 7/6/2017 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty TNHH Grabtaxi trong đó nêu ra 9 chương trình khuyến mại, giảm giá kéo dài liên tục trong cả nhiều năm, nhiều chương trình tặng khách hàng 100% giá trị của dịch vụ (đi miễn phí) và đề nghị Grab có giải trình có hay không các chương trình này. Tuy nhiên, Grab vẫn không có văn bản trả lời cho Cục Xúc tiến thương mại”.

“Để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng thì các doanh nghiệp FDI có dịch vụ xuyên biên giới như Grab, Uber khi thành lập doanh nghiệp có vốn điều lệ rất thấp (Grab Việt Nam 20 tỷ đồng, Uber 4,12 tỷ đồng) trong khi mỗi năm họ dành hàng trăm tỷ đồng cho quảng cáo thì pháp luật có quy định điều này không? Liệu như vậy có để nhằm mục đích lách các khoản thuế sẽ phải nộp không?”, Hiệp hội taxi Hà Nội đặt câu hỏi.

Phương Dung