Nhà thầu Trung Quốc khiến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không hẹn ngày về đích
Khả năng đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông trước ngày 31/12/2016 là rất thấp.
Tính đến thời điểm này, có đến 99% tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông gần như không thể kịp đưa vào khai thác vào cuối năm 2016 như yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khi những ẩn số liên quan đến vốn và năng lực nhà thầu vẫn chưa được giải quyết.
Cần phải nói thêm rằng, theo bản giao ước thi đua được ký kết giữa Ban Quản lý dự án đường sắt với Cục Đường sắt 6 Trung Quốc hồi tháng 1/2016, tổng thầu EPC này sẽ phải huy động tài chính , thiết bị để cơ bản hoàn thành hạng mục xây lắp và tiến hành lắp đặt, căn chỉnh hệ thống cơ, điện, thiết bị tại các ga La Thành, Thái Hà, Láng, Vành đai 3, Bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Bến xe Yên Nghĩa trước ngày 22/7/2016. Các ga còn lại, gồm: Cát Linh sẽ phải hoàn thành trước ngày 15/9/2016; ga Đại học Quốc gia hoàn thành trước ngày 18/5/2016; Thanh Xuân 3 hoàn thành trước ngày 12/6/2016.
Đối với các công trình trên tuyến, tiến độ cũng đang ở thế chân tường – không thể lùi thêm, trong đó dầm liên tục đổ tại chỗ hoàn thành trước ngày 20/6/2016; vận chuyển và lao lắp dầm hộp hoàn thành trước ngày 20/4/2016; rải ray hoàn thành toàn bộ trước ngày ngày 19/8/2016; mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị hoàn thành trước ngày 30/9/2016.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ GTVT, tính đến đầu tháng 6/2016, Dự án mới hoàn thành 74% khối lượng công việc xây lắp, trong đó tổng thầu EPC Trung Quốc đã hoàn thành 100% trụ cầu khu gian (419 trụ) và 100% xà mũ các nhà ga (112 xà mũ); hoàn thành 100% công tác đúc dầm (806 phiến) và lao lắp được 772/806 phiến; 10/12 nhà ga cơ bản hoàn thành đến tầng ke ga đang lắp đặt dàn mái thép và xây dựng trang trí nội thất...
“So với tiến độ yêu cầu, một số hạng mục còn lại đang bị chậm từ 1 đến 5 tháng và tiến độ tổng thể dự án có khả năng sẽ tiếp tục bị kéo dài”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Tại cuộc họp liên bộ Tài chính – GTVT về Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hồi giữa tháng 5/2016, Bộ GTVT thừa nhận, công trình đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do năng lực hạn chế và tính hợp tác không cao của phía tổng thầu Trung Quốc.
Ngoài việc không đảm bảo khối lượng hoàn thành dự kiến, thi công cầm chừng để đòi tạm ứng thêm hợp đồng EPC, chậm thanh toán cho nhà thầu phụ… Cục Đường sắt 6 Trung Quốc đến thời điểm này vẫn chưa chấp nhận chốt giá trị điều chỉnh cuối cùng của Dự án, dù công trình thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.
Điều đáng lo ngại là hiện nguồn vốn vay bổ sung Trung Quốc trị giá 250,62 triệu USD do tổng mức đầu tư Dự án điều chỉnh tăng từ 522 triệu USD lên 868 triệu USD vẫn chưa được chốt chính thức.
Theo Bộ Tài chính, qua làm việc với Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank), được biết Chính phủ Trung Quốc đã chấp thuận khoản vay trung tuần tháng 5/2016, đến nay cũng chưa có văn bản nào từ phía Trung Quốc về nội dung này và do vậy, phụ lục hợp đồng điều chỉnh không được các cơ quan kiểm soát chi trong khi nguồn vốn từ khoản vay tín dụng ưu đãi bên mua hiện chưa sử dụng hết, còn 208 triệu USD .
Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến tiến độ khai thác là việc thay đổi công nghệ điều khiển đoàn tàu.
Theo hợp đồng EPC và dự án phê duyệt là công nghệ "ATC – Automatic Train Control". Tuy nhiên, đây là công nghệ cũ, hạn chế tần xuất chạy các đoàn tàu, có thể tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về thiết bị cũ và mới. Ngày 28/4/2016, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương điều chỉnh hệ thống đóng đường và điều khiển chạy tàu hạng mục tín hiệu cho dự án áp dụng công nghệ "CBTC – Communication Based Train Control" là công nghệ tiên tiến, hiện cũng áp dụng cho các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đang triển khai và đã yêu cầu xem xét điều chỉnh cơ cấu dự án trên nguyên tắc không vượt tổng mức đầu tư. Việc điều chỉnh này dù cần thiết những chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn công trình.
Hiện, Bộ GTVT vẫn chưa định lượng chính xác Dự án này sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian nữa để có thể về đích do cả vốn lẫn năng lực thi công của tổng thầu đang ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư.
“Ngoài sự nỗ lực và quyết liệt của Bộ GTVT và các cơ quan thực hiện, còn phụ thuộc rất lớn các yếu tố nước ngoài về vốn bổ sung và năng lực của tổng thầu, tư vấn giám sát do bên tài trợ vốn chỉ định mà phía Việt Nam không thể thay thế được”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Theo Bảo Như
Đầu tư