1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngộ độc thực phẩm: “Phải lăn ra chết thì mới xử lý được!?”

(Dân trí) - Về giải pháp chấn chỉnh đưa chất cấm, chất độc hại vào sản xuất nuôi trồng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị phải tăng mạnh chế tài xử phạt, bởi hiện theo Luật, "phải lăn ra chết thì mới xử lý", trong khi ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên không xử lý được!

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (17/11), liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) trong quản lý sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng thường xuyên xuất hiện chất cấm trong chăn nuôi không phải là do thiếu quyết tâm của cơ quan điều hành.

Theo nhận xét của tư lệnh ngành nông nghiệp thì lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, hàng loạt văn bản pháp lý đã được ban hành.


Bộ trưởng Cao Đức Phát 

Bộ trưởng Cao Đức Phát 

Bộ trưởng Phát cho rằng, nguyên nhân chính đến từ việc triển khai, hướng dẫn sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm thủy sản chưa thực sự sâu rộng để xử lý đến căn cơ.

“Sản xuất nông lâm thủy sản hiện có hàng triệu hộ, riêng trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật còn 103 doanh nghiệp sản xuất, hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ. Nên muốn sự chuyển biến phải quản lý, kiểm soát được toàn bộ lực lượng này” – Bộ trưởng phân tích.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát cũng giãi bày, thực tế bộ máy quản lý giám sát, nguồn lực thực hiện rất hạn chế.

“Chúng tôi có hỏi địa phương vì sao triển khai công việc chưa được như mong đợi, thì anh em nói nhiều lý do trong đó có lý do bộ máy, nhân lực. Ví dụ Tuyên Quang chỉ có 7 người tại Chi cục Quản lý chất lượng; Bình Dương có 10 người; cấp huyện và cấp xã thì không có” – Bộ trưởng trình bày.

Về kinh phí, một số địa phương có ngân sách, nhưng tại một số địa phương, ngoài tiền lương thì chỉ được chi 300-500 triệu đồng để thực hiện các nhiệm vụ.

Nhằm xử lý vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại, Bộ trưởng Phát đề nghị cần phải có nhiều hơn sự vào cuộc của các bên, trong đó có các hội, đoàn thể, cả cộng đồng…

“Tôi nghĩ cứ phun thuốc bừa bãi thì không thể qua mắt nhân dân, nên công tác đoàn thể cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình” – ông Phát nói.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng kiến nghị xem xét sửa đổi một số quy định trong Luật Hình sự để có cơ sở pháp lý và chế tài xử lý mạnh tay với những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Điều 155 về quy định đối với sử dụng chất cấm nhưng không có chất cấm dùng trong chăn nuôi. Ví dụ chất cấm như chất Salbutamol bị cấm trong chăn nuôi nhưng dùng để chữa bệnh; chất vàng ô cấm trong chăn nuôi, khiến thịt gà trở nên vàng và được người tiêu dùng ưa thích, gây ung thư nhưng trong công nghiệp lại dùng làm chất nhuộm.

Điều 244 quy định “nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý”.

“Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên cũng không xử lý được!” – Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Quốc hội xem xét, đồng thời cho biết đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xin phép phải sửa đổi 4 nghị định về xử phạt hành chính, tăng mạnh mức xử phạt với các vi phạm.

Bộ trưởng Phát cũng nói thêm rằng, trong việc quản lý, không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý mà gốc của vấn đề là phải hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân sản xuất các sản phẩm an toàn và người tiêu dùng nhận biết được chất lượng hàng hóa.

“Chúng tôi sẽ sớm có những chính sách này” – ông Phát cho hay.

Sáng nay, Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương giải pháp để triệt tiêu những nhân tố phi thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều như hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại.

Theo bà An, các loại sản phẩm này đang lan tràn trên khắp các chợ quê, chợ phố, thậm chí là ở trong các siêu thị làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe người dân.

Đồng thời bà An truy vấn: “Bao giờ thì đồng chí có thể triệt hạ được những thương lái hay ăn chặn giữa người sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng để giải quyết dứt điểm tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa?”

“Đồng chí có biết rằng, thương hiệu gạo của Việt Nam bị mất thời gian qua chính là do thương lái hay không? Họ đã trộn lẫn các loại lúa, loại gạo vào nhau, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và giá gạo” – vị đại biểu đặt vấn đề.

 

Bích Diệp

Ngộ độc thực phẩm: “Phải lăn ra chết thì mới xử lý được!?” - 2