Thực phẩm bẩn: Dân nghèo nên phải "liều" ăn

(Dân trí) - "Chỉ có người nghèo với tâm lý "không mất gì" và dường như họ cũng "gan dạ" hơn không sợ thuốc bắt buộc phải mua đồ rẻ ngoài chợ và mấy cái sạp để ăn", GS Võ Tòng Xuân nói.

Tình trạng không an toàn thực phẩm đã đến lúc báo động, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng.
Tình trạng không an toàn thực phẩm đã đến lúc báo động, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng.

Thời gian qua, khi các thông tin về việc sử dụng hoá chất tràn lan trong nông nghiệp cho thấy tình trạng không an toàn thực phẩm đã đến lúc báo động, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng. 

GS Võ Tòng Xuân - một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp - đã có một số chia sẻ về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay và tác động của vấn đề này tới sự phát triển của ngành nông nghiệp?

Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề thực sự nhức nhối và thực sự tôi không biết phải nói làm sao nữa. Nông dân mình họ làm như thế nào thì ai cũng biết, nói nhiều rồi! Trồng trọt, bón phân bừa bãi, xịt thuốc trừ sâu trừ bệnh bừa bãi.

Điều này dĩ nhiên về mặt khoa học kĩ thuật mà nói, ngành khuyến nông phải có khuyến cáo làm thế nào cho đúng, để bà con nông dân theo. Các quy trình Global Gap hay VietGap được thiết kế ra cho bà con nông dân theo, để giúp cho sản phẩm họ làm ra giữ được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, trên thực tế, bà con nông dân mình lại nghe theo hướng dẫn của các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu, trừ bệnh. Ở đây, thương lái mua thuốc của Trung Quốc đưa qua Việt Nam bán không có phép, muốn bán được liền "dúi" cho các ông đại lý nông dược ở nông thôn. Trong khi đó, phần lớn nông dân mình còn nghèo, không có tiền tích luỹ để tự mua những thuốc mà nhà khoa học thiết kế, khuyến cáo mà mua thiếu, ghi sổ ở đại lý và đại lý lại tuồn thuốc không có giấy phép, nhãn hiệu, xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn cho họ.

Người nông dân biết là dùng thì độc nhưng vì sự sống còn phải diệt sâu, diệt mầm bệnh nên phải sử dụng. Phần lớn người nông dân hiện nay đều trừ lại một mảnh vườn để họ ăn. Đi tới các tỉnh, ngay cả Đà Lạt cũng thấy rất rõ tình trạng này.

Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến nông sản thiếu an toàn tràn lan như hiện nay? Do lợi nhuận cao? Do chính sách lỏng lẻo?

Thứ nhất, do nông dân họ phải tự bảo vệ họ nên mới liều mạng làm như thế. Thứ hai, làm được như vậy vì không có ai quản lý. Hệ thống quản lý của mình rất lỏng lẻo, cơ quan chức năng lực lượng mỏng, không có biên chế rồi việc thử nghiệm tốn kém, không có kinh phí.

Ông cho rằng đâu là giải pháp cho vấn đề này? 

Chỉ có một cách là mình phải siết chặt lại quản lý từ quản lý người nông dân. Mình đã đưa ra hình thức liên kết 4 nhà, sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn… là những cách quản lý người nông dân. Bằng cách kiểm tra nông dân, không cho ông làm bậy từ đó mới có thể chế biến ra những thực phẩm an toàn.

Bản thân chính người nông dân bị quản lý mới thấy là trước giờ làm sai. Sâu bệnh nhiều là vì làm sai, xịt thuốc rởm.. Và khi đi vào quỹ đạo, làm đúng theo quy trình thì bón phân cân đối vừa phải, trồng thưa vừa phải thì từ đó cây trồng mạnh hơn thì mới chống được sâu bệnh, họ ít sử dụng thuốc trừ sâu, trừ bệnh. Cán bộ sẽ kiểm tra họ và chỉ cho phép sử dụng thuốc cho phép thôi.

Thứ hai là phải tăng cường lực lượng kiểm soát, kiểm tra thị trường để sớm phát hiện được các loại phân bón, thuốc trừ sâu giả. Đồng thời, hiện nay hình thức phạt quá nhẹ nên các đại lý nhỏ làm giả và khi bị phát hiện thì phạt nhẹ nên lại tiếp tục làm, do đó, cần tăng hình thức phạt lên. Có làm được như thế mới răn đe được gian thương, còn nếu tử tế với nó quá chỉ gãi ngứa cho nó thôi thành ra nó cứ làm mãi.

Trong bối cảnh như hiện nay, người tiêu dùng phải lựa chọn nguồn thực phẩm như thế nào để đảm bảo an toàn cho chính mình, thưa ông?

Người tiêu dùng hiện rất hoang mang, nhiều trong số họ muốn mua hàng nước ngoài về ăn. Một số ví dụ có thể kể tới như việc dân mình hiện kiếm gạo Campuchia về ăn vì biết là họ ít dùng thuốc, rồi tìm nguồn gạo hữu cơ, gạo ngon giá 20-30 nghìn đồng/kg, đắt hơn nhiều gạo bình thường nhưng vẫn mua vì cảm thấy an tâm hơn.

Chỉ có người nghèo với tâm lý "không mất gì" và dường như họ cũng "gan dạ" hơn không sợ thuốc bắt buộc phải mua đồ rẻ ngoài chợ và mấy cái sạp để ăn.

Truy xuất nguồn gốc được cho là một yếu tố quan trọng trong sản xuất thực phẩm trên thế giới, góp phần giảm thiểu những vấn đề về an toàn thực phẩm. Nhưng theo ông, với thị trường như Việt Nam thì bao giờ mới có thể áp dụng 1 hệ thống truy xuất hàng hoá chuẩn được?

Bây giờ "ăn thua" ở các nhà quản lý của mình thôi. Nếu quản lý siết chặt thì nông dân buộc phải làm, phải liên kết với doanh nghiệp thì từ đó lập ra các hợp tác xã cùng các nhà khoa học ngồi lại thiết kế quy trình sản xuất chuẩn như Global Gap, VietGap hay rẻ hơn như Gap. Cần phải dùng kĩ thuật nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và làm càng nhanh thì xã hội mình càng được hưởng và càng sẵn sàng để cạnh tranh với các đối tác khác.

Mình cũng cần phải kêu gọi bà con nông dân thức tỉnh, không nên dùng thuốc bừa bãi mà phải dùng loại được cho phép và đúng quy trình, không được làm theo kiểu cũ hay nghe lời gian thương nữa. Bà con nông dân phải đổi mới tư duy của mình, phải học và biết được phương cách làm theo nông nghiệp công nghệ cao để bảo vệ cho mình và cộng đồng.

Còn về nông nghiệp công nghệ cao thì yêu cầu phải cần 4 nhà, một mình nông dân không được. Nhà nước lo tổng quát, chính sách; kế đó phải có nhà khoa học; rồi doanh nghiệp tham gia nhập cuộc. Cả Nhà nước, trí thức và doanh nhân cùng người nông dân, không thiếu nhà nào mới ra được cái liên kết và đưa tới kết quả tốt.

Phương Dung

 

Thực phẩm bẩn: Dân nghèo nên phải "liều" ăn - 2