Năng suất lao động của Việt Nam còn thua xa Singapore, Trung Quốc
(Dân trí) - Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á khác và vẫn thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%)
Phát biểu tại Diễn đàn CEO 2018 với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều nay (13/4), ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể.
Thua xa Singapore, Trung Quốc
Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 92,1 triệu đồng, tương đương khoảng 4.100 USD/lao động, tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011-2016 và cao hơn nhiều so với mức tăng 3,45%/năm giai đoạn 2006-2010.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, cần thẳng thắn thừa nhận thành tích tăng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, mà chưa phải là sự cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế.
"Do đó, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á khác và vẫn thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%)", ông Tuấn nói.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra rằng, năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với nhu cầu phát triển. Với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011-2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau khi mà tốc độ tăng năng suất đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ, và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm.
"Có nghĩa là chi phí sản xuất ở Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn và điều này tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hoá khi mà nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung giai đoạn 10 năm 2007-2016, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,5%/năm); Malaysia (1,9%/năm); Thái Lan (2,5%/năm); Indonesia (3,5%/năm); Philippines (2,8%/năm).
Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% mức năng suất của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% năng suất lao động của Philippines.
"Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước", ông Lâm nói.
Vì sao?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm có thể kể đến các nguyên nhân chính như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ “mũi nhọn” như tài chính, tín dụng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp.
Bên cạnh đó, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.
Đáng lưu ý, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, hiện khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động khu vực doanh nghiệp tăng thấp hơn tốc độ tăng của tiền lương bình quân một lao động khu vực doanh nghiệp.
Theo ông Lâm, thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước, phần lớn doanh nghiệp chưa đạt được quy mô tối ưu (50-99 lao động) để có được mức năng suất lao động cao nhất. Số lượng doanh nghiệp lớn còn ít (chỉ chiếm 2,1%), doanh nghiệp chưa xâm nhập được vào các thị trường, trung tâm công nghệ của thế giới, do đó chưa thực hiện được chức năng cầu nối về công nghệ tri thức của thế giới vào thị trường trong nước.
"Trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ và năng suất lao động từ các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia vào doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ, quá trình đô thị hóa chậm...", ông cho biết.
Phương Dung