1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lưới giăng BOT: Doanh nghiệp và người dân phẫn nộ

(Dân trí) - "Tôi đồng cảm với người dân, với doanh nghiệp (DN) vì những điều này đang khiến BOT là nỗi sợ hãi cho mọi người, cứ nhắc đến BOT là như kiểu lưới giăng cho DN. Tại sao DN vận tải phải "trốn" đường thu phí để chạy đường liên tỉnh, liên huyện rồi phá nát những con đường này?"

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân Trí về tình trạng trạm thu phí BOT dày đặc tác động như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.

Thưa ông, tình trạng hàng loạt tuyến đường được BOT hóa cùng với các trạm thu phí dày đặc khiến người dân và DN rất bức xúc, quan điểm của Hiệp hội như thế nào?

Tôi đồng cảm với người dân, với DN vì những điều này đang khiến BOT là nỗi sợ hãi cho mọi người, cứ nhắc đến BOT là như kiểu lưới giăng cho DN. Tại sao DN vận tải phải "trốn" đường thu phí để chạy đường liên tỉnh, liên huyện rồi phá nát những con đường này? Nói cho cùng, ai cũng muốn lợi cả! Các ông vận tải kêu lỗ, nhưng chẳng ai lỗ đâu. Phí cao thì họ nâng tải, nâng tải rồi lại phá nát đường, rồi lại sửa, lại nâng cấp lại thu phí.... một vòng tròn luẩn quẩn.


Trạm thu phí BOT (ảnh minh họa)

Trạm thu phí BOT (ảnh minh họa)

Hiệp hội đang có thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc các vấn đề như: Xây đường mới hoàn toàn thì được sử dụng BOT, còn đường cũ phải sử dụng vốn khác, vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ.... không thu phí. Phải cho người dân lựa chọn đường họ muốn đi chứ?

Nếu giờ cứ đường cũ, cải tạo và rải 1 lớp thảm lên như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Bắc Giang... rồi đặt trạm thu phí như các đường mới thì dân chịu sao được. Các vị lại lý luận "thu phí cao nên thời gian thu phí ngắn". Xin nói thẳng, rải 1 lớp nhựa, cải tạo chút ít như vậy, chẳng mấy chốc đường hỏng, xuống cấp. Rồi hỏng lại lấy lý do cải tạo lại, rải thảm lại, vốn đầu tư dôi dư ra, lại kiến nghị thu phí... Như vậy, đặt trạm thì dễ, dỡ trạm thì vô cùng khó.

Một số tuyến đường như đường Quốc lộ (QL) 5 A (Hà Nội - Hải Phòng) dù Chính phủ cho thu phí để bù lỗ giải phóng mặt bằng cho Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (QL 5B). Tuy nhiên, đến nay đường này hoàn thành và thu phí nhưng sao hai trạm vẫn tiếp tục thu. Việc này, chỉ Chính phủ mới quyết được.

Về quản lý Nhà nước trong những dự án BOT giao thông hiện nay, ông đánh giá như thế nào khi những bất cập không sớm được xử lý, giải quyết dứt điểm?

Tôi cảm giác quản lý của cơ quan Nhà nước ở các công trình, dự án giao thông bị đuối, hay chạy theo DN dẫn đến buông lỏng. Các nhà đầu tư cứ nghĩ là đường của mình, muốn làm gì thì làm, tự tung tự tác. Nói thế có thể động đến các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải, nhưng thực tế hiện nay người dân bức xúc lắm rồi.

Hiện nay, thế giới đang thịnh hành hình thức đầu tư theo đối tác công tư (hợp tác Nhà nước và tư nhân - PPP) trong xây dựng cơ sở vật chất: đường, trường, trạm. Chúng ta đang quá ưu ái BOT, cho các nhà đầu tư quá nhiều quyền lợi mà chưa quản chặt họ. Tôi thiết nghĩ, Nhà nước cần chuyển sang (PPP) nhanh để hạn chế những tác động tiêu cực hiện nay.

Hình thức BOT không có lỗi, lỗi chính là thực thi chính sách và quản lý chưa nghiêm, nếu đưa hình thức PPP vào xây dựng đường thì ngân sách sẽ "gánh" khoản vốn lớn, ông bình luận gì về vấn đề này?

Đúng, cơ chế không có lỗi, lỗi chính là do con người, do chủ đầu tư và do cách quản lý chưa hiệu quả, buông lỏng. BOT vẫn là hình thức tốt khi kêu gọi vốn tư nhân vào làm đường, để giảm áp lực đầu tư công cho ngân sách. Còn về lo ngại ngân sách, các nước cũng làm theo cách cho thầu quảng cáo, thắp sáng các con đường, rồi có thể dự án hai bên cao tốc kêu gọi vốn tư nhân, đó là tiền chứ đâu.

PPP có lợi là khi hoàn thành xong, cả nhà nước và tư nhân tham gia quản lý, nếu DN sợ lỗ không quản thì làm đường thôi, còn để Nhà nước đấu thầu quản lý chia lại cho DN lợi nhuận. Các nước như Hàn Quốc, Singapore, Pháp hoặc Ấn Độ đều cho tư nhân làm theo PPP rồi Nhà nước đứng ra đấu thầu cho các công ty có đủ trình độ công nghệ khai thác thu vé, minh bạch ở chỗ đó. Còn tại Việt Nam, ông nhà đầu tư làm từ A - Z từ lập dự toán dự án, thi công, tổ chức thanh tra, lập trạm thu phí, tổ chức thu phí.... bất cập ở đây chứ đâu.

Dân và DN không ngại phí cao, chỉ lo thiếu minh bạch. Đấy, thực tế có đó, Pháp Vân - Cầu Giẽ, nội bộ liên danh nhà đầu tư đấu tố nhau, DN 18% cổ phần dự án chi 7 tỷ đồng để giám sát thu phí phương tiện thì thử hỏi người dân bình thường biết sao được. Chúng ta cần nhanh chóng chuyển sang áp dụng thu phí tự động, thu phí không dừng như các nước trên thế giới để giảm tiêu cực, chứ cứ thu “bằng tay” như hiện nay thì còn tiêu cực, còn tư túi riêng. Đường đẹp, dân đi lại phải nhanh hơn, thông thoáng hơn mới đúng, còn đường đẹp dân phải chịu ùn ứ hàng chục km chỉ vì cái trạm thu phí thì tiền xăng cũng quá tội mà lại kìm hãm sự phát triển.

Thu phí hàng loạt tuyến đường huyết mạch tác động như nào đối với các DN Vận tải? Thời gian tới có tăng phí vận tải không?

Tôi nói thẳng, khi xăng dầu giảm thì đổ xô vào chỉ trích ngành vận tải giảm cước, giảm giá. Điều này cũng đúng vì người dân thấy rõ, chúng tôi không kêu oan. Tuy nhiên, sao phí tăng chẳng ai "kể khổ" cho các DN vận tải, họ cũng làm dịch vụ, cũng chịu đủ mọi phí. Từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ có hai con đường, thì cả 2 đều tăng phí, nâng phí. Dân không còn sự lựa chọn nào khác là bấm bụng trả tiền. Về Thái Bình chưa đầy 100 km, 4 trạm thu phí, lãnh đạo Bộ GTVT giải thích và hứa sẽ xem xét nhập các trạm này vào nhưng chúng tôi biết là để nhập còn rất khó, rất lâu vì không DN nào muốn chia sẻ lợi ích của mình cả. Tiền phí về Thái Bình mất hơn cả tiền xăng, trong khi đó tắc đường, ùn ứ thường xuyên xảy ra.

Với mức phí tăng như hiện nay, chắc chắn các DN vận tải sẽ phải tăng giá cước, đây là điều không đừng được. Họ cũng là DN, cũng phải đảm bảo làm có lợi, chứ nếu đi 1 chuyến mà lỗ thì chẳng ai dám đi cả.

Về chất lượng đường, chắc chắn các DN vận tải là đối tượng hưởng thụ và hiểu rõ nhất, ông có kiến nghị gì về quản lý chất lượng các tuyến đường BOT?

Phải nói rằng, một số tuyến đường do DN có trình độ, "người trong ngành" thì chất lượng làm đường rất tốt. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có rất nhiều tuyến đường do chủ đầu tư khác lĩnh vực nhảy vào nên chất lượng đường rất tệ. Nứt chỗ nọ, thủng chỗ kia.

Các cơ quan quản lý cứ bảo 10 bộ giám sát, nhưng đấy là giám sát tiền dự án (tiền kiểm) là chính, còn hậu kiểm thế nào? Thẩm định dự án theo quy hoạch, xem xét cấp phép rồi năng lực chủ đầu tư cũng cần, nhưng điều quan trọng nhất là chất lượng đường có đạt tiêu chuẩn không mới là điều quan trọng. Các DN hiện nay đang nghĩ họ làm đường xong là đường của họ, muốn làm gì thì làm là không được. Phải kiểm tra thường xuyên chất lượng đường, nếu không sau thời gian 15 - 30 năm, các nhà đầu tư giao lại cho Nhà nước, thì những con đường này sẽ như thế nào? Đây là câu hỏi cần trả lời ngay trong lúc này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)

Lưới giăng BOT: Doanh nghiệp và người dân phẫn nộ - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm