Giống cây biến đổi gen: Bộ quyết rồi, ai dám nói ngược?

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia bất ngờ khi Monsanto, nhà cung cấp thuốc trừ cỏ và chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh VN được cấp phép. Một số nhà khoa học từ chối đưa ra ý kiến phản biện vì “Bộ đã quyết thế rồi, muốn nói ngược cũng không được!”

 

Giống cây biến đổi gen: Ai bán giống cho người nông dân?
Việt Nam là nước thứ 2 trong khu vực ASEAN chấp nhận đưa giống cây biến đổi gen ra đồng ruộng. 

Việt Nam là nước thứ 2 trong khu vực ASEAN chấp nhận đưa giống cây biến đổi gen ra đồng ruộng. Chưa một chuyên gia hay cơ quan quản lý nào đánh giá được cụ thể những lợi ích khi cây trồng biến đổi gen được phổ cập, song một điều chắc chắn, khi Việt Nam “mở cửa” cho loại cây trồng này, nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ được hưởng lợi lớn từ việc bán hạt giống. Hiện trong nước chưa có một đơn vị nào có thể nghiên cứu và sản xuất ra được những hạt giống để phục vụ cho việc gieo trồng giống ngô biến đổi gen này. 

Ai bán giống cho nông dân?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp chứng nhận cho 2 công ty DeKalb (thuộc Monsanto Hoa Kỳ) và Syngenta Việt Nam được bán đại trà giống ngô biến đổi gen tại Việt Nam.

Trên thế giới, có 11 tập đoàn, công ty lớn về cây trồng biến đổi gen với tổng số 329 giống cây, riêng Monsanto và Syngenta chiếm gần một nửa. Nếu tính cả công ty liên doanh, liên kết của Monsanto và Syngenta thì con số còn lớn hơn nhiều. 

Tại Việt Nam, Syngenta có mặt tai Việt Nam từ đầu những năm 90, hiện đang là một trong số nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Monsanto có mặt lần đầu tại Việt Nam từ năm 1995, đến năm 2010 chính thức thành lập chi nhánh lấy tên là Dekalb Việt Nam.

Trước đó, Monsanto còn được biết đến là một trong những nhà cung cấp thuốc trừ cỏ và chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Các nạn nhân da cam Việt Nam từng đâm đơn kiện 37 công ty hoá chất, bao gồm cả Monsanto, để đòi đền bù thiệt hại. Trước đó, các cựu binh Mỹ cũng từng kiện các tập đoàn hoá chất này.

Trong số những tai tiếng liên quan tới Monsanto, nhà nhân chủng học Joanna Kirkpatrick, tiến sĩ từ ĐH California ở Berkeley từng cho hay, cách thức vận hành của Monsanto là tìm cách mua những người bán hạt giống, để người bán hạt giống cuối cùng không còn bán các hạt truyền thống nữa, nông dân sẽ dần trở lên phụ thuộc hoàn toàn vào giống biến đổi gen. 

Ngoài ra, một số ví dụ khác về thị trường ngô của Mexico bị sụp đổ với các giống ngô truyền thống bị lai tạp và hỏng hay người dân Ấn Độ rơi vào cảnh tuyệt vọng khi phụ thuộc vào các hạt giống biến đổi gen cũng được nhắc tới.

Bộ quyết rồi, không nói ngược được!

Những ngày gần đây, khi được hỏi, một số nhà khoa học từ chối đưa ra những ý kiến phản biệt về thực phẩm và giống cây trồng biến đổi gen. Một vị còn thẳng thắn: “Bộ đã quyết thế rồi, có tác dụng rồi, chả còn gì để bàn nữa. Có muốn nói ngược cũng không được đâu!”

Tuy vậy, theo một vị chuyên gia trong ngành, bỏ qua câu chuyện về tính an toàn của cây trồng biến đổi gen nhưng trước mắt vẫn phải đặt ra câu hỏi lớn về nguy cơ phụ thuộc giống vào một số ít những nhà cung cấp nước ngoài. Và sau vài năm tiếp theo, điều gì sẽ xảy ra nếu các nguồn giống biến đổi gen không thực sự cho hiệu quả cao trong khi các nguồn giống địa phương thì đã bị lai tạp và hỏng không sử dụng được? 

Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát từng thừa nhận, khi Việt Nam chưa làm chủ được về giống đối với cây trồng biến đổi gen, việc trồng cây biến đổi gen sẽ bị phụ thuộc. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lạc quan cho rằng: “Các viện nghiên cứu của Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp cận, làm chủ được công nghệ tạo giống để làm chủ được giống".

Bộ trưởng cũng khẳng định, sau nhiều năm khảo nghiệm, kết luận đưa ra là việc sử dụng giống cây trồng biến đổi gen là có lợi cho người dân và cho quốc gia. "Chúng ta chỉ làm những gì có lợi cho người dân, có lợi cho quốc gia, còn không thì không nhất thiết phải làm,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Còn dưới góc nhìn của một chuyên gia trong ngành chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, đúng là có những quan ngại về sự phụ thuộc vào giống nước ngoài cũng như lo ngại giá thức ăn chăn nuôi sẽ bị đẩy cao theo giá giống.

“Việc các tập đoàn đa quốc gia đó nắm giữ công nghệ bí mật, giá đắt, khó chuyển giao cho mình là có thật. Nên đặt câu hỏi với cơ quan phụ trách rằng người nông dân có thiệt hay không khi bị phụ thuộc nước ngoài? Đó là điều các bộ ngành phải giải quyết”, ông Lịch nói.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Bộ chủ quản là đơn vị cần đưa ra câu trả lời cho câu chuyện làm thế nào để hạ giá giống nhập? Trong nước có sản xuất được không? Hay khi cấp phép cho các công ty đa quốc gia bán giống, bộ ngành đã có đấu tranh để các công ty đó hạ giá giống cho nông dân chưa?".

 Phương Dung



Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”