1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dự án thép 8.000 tỷ nằm đắp chiếu, mỗi ngày "mất không" 1 tỷ tiền lãi vay

(Dân trí) - Hàng tháng TISCO phải chi trả gần 30 tỷ đồng tiền lãi vay của dự án, đây là gánh nặng cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp này và ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương, việc làm cho gần 6.000 lao động.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vừa có báo cáo về quá trình triển khai thực hiện Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Báo cáo về giai đoạn 2 nhà máy thép, TISCO cho biết, sau khi thực hiện dự án cải tạo kỹ thuật giai đoạn 1 năm 2002 hoàn thành đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, Thủ tướng đã cho phép đầu tư dự án mở rộng giai đoạn 2 nâng công suất lên 1.000.000 tấn phôi thép/năm, dự kiến hoàn thành trong vòng 18 tháng.

Dự án được khởi công vào tháng 9/2007 nhưng liên tiếp chậm tiến độ do các vấn đề liên quan tới vốn và nhà thầu. Đến tháng 6/2012, do thiếu vốn nên các nhà thầu đã dừng thi công, rút quân khỏi hiện trường. Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt năm 2005 là 3.843 tỷ đồng nhưng do chậm tiến độ và ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế đã phải điều chỉnh tăng gấp đôi lên 8.104 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung nên dự án vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay.

Tại công văn lần này, TISCO thừa nhận, khó khăn vướng mắc chính là thu xếp vốn cho dự án sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng. Mặc dù đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng chủ đầu tư chưa đàm phán thu xếp được vốn vay bổ sung từ phía các ngân hàng tài trợ, do vậy dự án vẫn chưa thể tái khởi động lại được.

"Hàng tháng, TISCO phải chi trả gần 30 tỷ đồng tiền lãi vay của dự án, đây là gánh nặng cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của TISCO và ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương và việc làm cho gần 6.000 lao động. Mặt khác vì tạm dừng thi công do thiếu vốn, toàn bộ công trường bị đình trệ, máy móc vật tư thiết bị để lâu ngày chưa lắp đặt sinh ra hư hỏng, lão hóa…”, phía TISCO cho biết.

Cũng theo thông tin từ TISCO, theo phương án 2 được Chính phủ đồng ý, thời gian tái khởi động dự án là tháng 9/2014 với điều kiện phải bố trí đủ vốn và ký được Phụ lục 9 với MCC. Tuy nhiên, việc bố trí vốn cho dự án đến tháng 6/2015 mới cơ bản xong (chậm 9 tháng so với dự kiến trong phương án 2 được Bộ Công Thương phê duyệt), còn việc đàm phán với MCC vẫn chưa thể kết thúc vì còn một số khó khăn vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của chủ đầu tư.

"Hiện nay, TISCO đang khẩn trương thực hiện dự án, phấn đấu cuối năm 2017 hoàn thành đưa vào vận hành”, công văn cho hay.

Ngoài ra, tại công văn lần này, TISCO cũng khẳng định, khi so sánh 2 dự án có cùng các hạng mục đầu tư (mỏ quặng sắt, bãi nguyên liệu, thiêu kết, lò cao, lò luyện thép, máy đúc liên tục, lò trộn nước gang, trạm ô xy, hệ thống phụ trợ) thì suất đầu tư là tương đương nhau.

Trong đó, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên lợi thế hơn vì có lò tinh luyện thép LF và tổng đồ vận chuyển đường sắt được kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia.

Về tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 2 của TISCO cao hơn một dự án có công suất tương tự là dự án nhà máy gang thép Lào Cai khoảng 3.046,7 tỷ đồng, TISCO lý giải là do dự án giai đoạn 2 có đầu tư thêm một số hạng mục như: Nhà máy luyện than cốc 1.235,4 tỷ đồng; tổng đồ vận chuyển đường sắt 261,9 tỷ đồng; đồng thời dự án giai đoạn 2 phải chịu chi phí lãi vay 1.140,5 tỷ đồng và biến động tỷ giá USD (tương đương 408,9 tỷ đồng).

Phương Dung

Dự án thép 8.000 tỷ nằm đắp chiếu, mỗi ngày "mất không" 1 tỷ tiền lãi vay - 2