SCIC "cứu" dự án thép 8.000 tỷ đồng đã 10 năm "đắp chiếu"

(Dân trí) - Sau 4 năm "đắp chiếu", dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đối mặt nguy cơ phải trả gần 60 triệu USD chi phí cho nhà thầu Trung Quốc để tái khởi động. Cuối tuần qua, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã kiến nghị giải pháp cấp bách "cứu" dự án này.

Năm 2007, dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được khởi công với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng. Hơn 1 năm sau đó, tổng mức của dự án được nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đề nghị tăng lên 8.104 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói, sau gần 10 năm, đến nay nhà máy này vẫn “đắp chiếu” trong khi nhà thầu Trung Quốc đã rút người về từ năm 2012 sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án… Tính đến nay, dự án đã bỏ hoang gần 4 năm sau khi chủ đầu tư đã rót vào 4.438 tỷ đồng.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Cuối tuần qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của TISCO.

Tại công văn này, SCIC cho biết, sau 10 lần đàm phán, TISCO đã đạt mục tiêu thuyết phục MCC cùng tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc của dự án, đồng thời MCC tỏ rõ thiện trí cùng TISCO quyết tâm triển khai hoàn thành đưa dự án vào khai thác vận hành. Tuy nhiên, kết quả đàm phán giữa MCC và TISCO vẫn chưa đạt được như các điều kiện tiên quyết do TISCO đưa ra tại báo cáo gần nhất.

Theo các điều khoản mà 2 bên đã thương thảo, trường hợp dự án tiếp tục được triển khai, MCC yêu cầu TISCO chi trả cho các phần việc của MCC/công ty con của MCC một loạt các chi phí. Trong đó, chi phí bồi thường kéo dài từ tháng 6/2012 là gần 4,4 triệu USD và gần 53 triệu USD bao gồm: chi phí dịch vụ sau bán hàng; chi phí bàn giao, bảo quản, tu sửa hiện trường; chi phí mua sắm lại thiết bị và vật liệu hư hỏng; chi phí cho việc thu hồi khí than lò cao và chi phí trả cho công ty con của MCC về lắp đặt thiết bị chính.

"Để dự án có thể tái khởi động, sau rà soát tổng mức đầu tư, với các chi phí phát sinh, tổng mức đầu tư dự án tăng lên thành hơn 9.031 tỷ đồng", SCIC cho hay.

Vì vốn đầu tư đội lên quá cao ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án nên chủ đầu tư đã thuê Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam và Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra, điều chỉnh mức đầu tư để dự án tái khởi động hiệu quả là 7.871 tỷ đồng.

Và để giảm vốn, TISCO cũng đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án như: miễn một số khoản thuế; cơ chế tín dụng; khoanh, giảm lãi vay, điều chỉnh lãi suất, thời gian vay, trả nợ của Ngân hàng VDB, VietinBank; không tính thuế GTGT trong tổng mức đầu tư.

Trong văn bản gửi lên Thủ tướng lần này, SCIC cho rằng, đây đều là những điều kiện tiên quyết để giúp cho dự án đạt được hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, các đề xuất này đều nằm ngoài khung quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, SCIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho TISCO được áp dụng các cơ chế ưu đãi trên.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Bộ Công Thương từng gửi văn bản lên Thủ tướng về các kiến nghị của chủ đầu tư được áp dụng các ưu đãi trên. Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương gửi kiến nghị của TISCO lên Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có phản đối việc thêm ưu đãi cho dự án này với lý do đảm bảo an toàn nợ công.

Đáng lưu ý, dù đề xuất 1 loạt ưu đãi cho dự án nhưng về hiệu quả đầu tư dự án, SCIC thừa nhận là chưa thể khẳng định được tại giai đoạn này. Theo SCIC, dự án chỉ đạt hiệu quả đầu tư tài chính với các giả định: tổng mức đầu tư 7.871 tỷ đồng và cơ chế tín dụng như TISCO đề xuất; dự án được khởi động từ 1/4/2016, hoàn thành 30/9/2017 (18 tháng thi công) và bắt đầu đi vào sản xuất từ 1/1/2018; giá bán phôi thép nằm trong kế hoạch tính toán…

Trong khi đó, dự án sẽ không đạt hiệu quả trong 3 trường hợp sau: tổng mức đầu tư 9.031 tỷ đồng; giá bán giảm 6% so với dự báo; tổng mức đầu tư tăng 5% đồng thời giá bán giảm 5%.

Phương Dung

SCIC "cứu" dự án thép 8.000 tỷ đồng đã 10 năm "đắp chiếu" - 2