1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vốn vay từ Trung Quốc: Điều chúng ta không nên chấp nhận

Trung Quốc luôn đi tìm ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự ở Việt Nam, thành ra những nguồn viện trợ của Trung Quốc phải hết sức cẩn trọng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh như vậy khi bàn về nguồn vốn ODA Trung Quốc tài trợ cho Việt Nam.

 

Nhiều dự án lớn của Việt Nam đang thiệt đủ đường vì vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc, thậm chí có chuyên gia nói rằng Việt Nam đã 'sập bẫy'. Đơn cử như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông từng xảy ra sự cố mất an toàn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản, chậm tiến độ, đội vốn... Hay dự án bô xít Tây Nguyên đang vấp phải nhiều nghi ngại càng làm càng thua lỗ nặng. Những điều này đã được lường tới khi Việt Nam nhận vốn của Trung Quốc hay chưa thưa ông?

 

Việt Nam đang có nhu cầu vốn rất lớn nên dễ dàng chấp nhận nguồn vốn ODA. Nhưng trong quá khứ, nhiều dự án ODA Việt Nam đã không toan tính cẩn thận và cuối cùng, nguồn vốn đó không những không giúp gì nhiều cho vấn đề phát triển kinh tế Việt Nam mà còn có ảnh hưởng đến môi trường.

 

Do đó, nguồn vốn ODA cần phải suy xét ở nhiều khía cạnh:

 

Thứ nhất, phải có sự tính toán kỹ lưỡng xem những nguồn vốn đó giúp gì cho vấn đề phát triển kinh tế.

 

Thứ hai, nó ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Việt Nam như thế nào.

 

Thứ ba, nguồn nhân lực tham gia vào dự án ODA phải được tính toán kỹ để giải quyết vấn đề lao động. Có những dự án ODA đòi hỏi phải có chuyên gia nước ngoài là điều cần thiết, tuy nhiên, một số dự án ODA của Trung Quốc đem lao động của họ qua, có lẽ là điều Việt Nam không nên chấp nhận.

 

Viện trợ ODA có thể mang lợi lại cho nước tiếp nhận nhưng đi kèm với nó là rất nhiều điều kiện. Ngay cả chính phủ Nhật khi tài trợ các dự án ODA cũng có điều kiện, chẳng hạn mua hàng của họ, sử dụng công nghệ của họ... Những điều kiện như thế cần suy xét chặt chẽ chứ không thể vì cần vốn mà dễ dàng chấp nhận.

 

Dự án bô xít Tây Nguyên do Trung Quốc làm tổng thầu EPC
Dự án bô xít Tây Nguyên do Trung Quốc làm tổng thầu EPC

 

Bản chất ODA không phải là "tiền chùa" như nhiều người vẫn cố ý hiểu lầm mà là sự ràng buộc vay nợ đi kèm nhiều rủi ro. Đối với ODA Trung Quốc, ngoài những đặc điểm chung, nó còn có điểm gì khác biệt và liệu nó có tác động tiêu cực gì đến những nhận tài trợ?

 

Nói chung, nguồn tài trợ ODA không phải là nguồn tiền cho không mà luôn luôn đi kèm điều kiện đối với nước nhận tài trợ và có thể được giấu kín dưới hình thức nào đó.

 

Trường hợp của Trung Quốc, dĩ nhiên khi tài trợ một dự án bằng vốn ODA không bao giờ họ nói rõ hết ý đồ của họ. Nhưng Việt Nam phải hiểu rằng Trung Quốc là nước luôn đi tìm ảnh hưởng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự ở Việt Nam, thành ra những nguồn viện trợ của Trung Quốc phải hết sức cẩn trọng.

 

Như trường hợp Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), nhiều nước đã lên tiếng cho rằng Trung Quốc khởi xướng thành lập ngân hàng này không phải chỉ phục vụ cho quyền lợi của thế giới mà họ có ý đồ muốn nắm quyền chủ động. Không ai biết khi Trung Quốc nắm quyền chủ động thì sẽ đưa một chương trình lớn như thế đi về đâu.

 

Cùng chiều hướng đó, vấn đề Việt Nam nhận tài trợ ODA của Trung Quốc phải làm rõ mục đích của họ là gì, họ đi tìm tầm ảnh hưởng nào. Không thể loại trừ ý đồ chính trị, thương mại, xã hội... của những quốc gia tài trợ các dự án ODA. ODA là nguồn tài trợ mang lại lợi ích cho nước nhận và nước cung cấp, thành ra đối với Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước khác, chúng ta phải chấp nhận ý đồ của họ nhưng phải làm sao có thể hài hoà nó với mục đích phát triển kinh tế của đất nước, không thể cứ thấy nguồn vốn ODA là nhào vào chấp nhận.

 

Thường thì các chương trình ODA không kèm theo điều kiện phải sử dụng công nhân của nước họ, có chăng là đòi hỏi phải sử dụng một số trang thiết bị nhập khẩu từ quốc  gia của họ, các chuyên gia... Nhưng bắt buộc phải sử dụng lao động của nước cung cấp ODA thì tôi thấy đây là trường hợp đặc biệt của Trung Quốc.

 

Xét riêng trong bối cảnh Việt Nam, những rủi ro từ vốn vay của Trung Quốc là gì khi Trung Quốc trúng tới 90% dự án tổng thầu EPC tại Việt Nam và dù Trung Quốc không phải là nước thuộc nhóm cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam nhưng lại nắm nhiều dự án ở vị trí trọng yếu?

 

Trong kinh doanh, tập trung cao vào một đối tượng nào đó luôn mang rủi ro lớn. Việt Nam tập trung nhiều dự án vào Trung Quốc như vậy, một khi Trung Quốc có thay đổi, lập tức Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, chưa kể Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ phức tạp, do đó làm việc với Trung Quốc phải cân nhắc rất cẩn thận.

 

Việt Nam đã nếm nhiều trái đắng từ vốn vay của Trung Quốc, vậy bài học cần rút ra là gì và phải được điều chỉnh ra sao?

 

Như tôi đã nói, trong lịch sử từ trước tới nay, Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ mang tính đặc thù, khác với các nước khác, do đó thường tiềm ẩn rủi ro.

 

Để giảm thiểu điều này, Việt Nam phải phân bổ nguồn lực đầu tư với các quốc gia khác, không dựa quá nhiều vào Trung Quốc về mặt tài chính, mậu dịch cũng như hàng hoá. Đây là điều rất khó vì hiện Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong vấn đề nhập khẩu hàng hoá. Hàng hoá Trung Quốc vừa rẻ, chất lượng ngày càng tốt, còn Việt Nam là nước nghèo nên dĩ nhiên là phải mua, nhưng việc lệ thuộc vào Trung Quốc rất nguy hiểm.

 

Do đó, Việt Nam cần phân bổ vấn đề mua bán, mậu dịch với Trung Quốc cũng như vốn đầu tư với Trung Quốc ở tỷ lệ an toàn.

 

Có lẽ chưa bao giờ Việt Nam đưa ra vấn đề này: thế nào là tỷ lệ an toàn, từ mậu dịch đến đầu tư? Nhưng đây là lúc Quốc hội phải đưa ra những thông số để ít nhất Việt Nam có thể dựa vào đó để hiểu mức độ an toàn của mình như thế nào. Thông số đó không phải như người Mỹ nói là phải luôn luôn khắc vào đá, không mang tính vĩnh viễn mà có thể thay đổi theo từng thời kỳ, từng điều kiện, nhưng ít nhất Việt Nam phải có. Những thông số này phải được kiểm soát dưới một giới hạn nào đó để khi mình vượt hoặc sắp chạm tới thì sẽ biết được độ rủi ro.

 

Nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã được đặt ra từ lâu. Nếu không nghiêm túc nhìn nhận nó và điều chỉnh, hậu quả sẽ thế nào, thưa ông?

 

Rủi ro càng nhiều thì thiệt hại càng lớn, mà thiệt hại lớn nhất của kinh tế Việt Nam khi lệ thuộc vào Trung Quốc là có thể rơi vào khủng hoảng.

 

Nguồn vốn ODA cũng vậy, khi Việt Nam dựa nhiều vào Trung Quốc, có nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc, khi bên Trung Quốc có chủ trương nào bất lợi cho Việt Nam, họ có thể dùng những công cụ tài chính này và những công cụ thương mại mậu dịch để tăng cường áp lực cho Việt Nam. Trong trường hợp này, nếu những rủi ro đó trở thành thiệt hại thì những thiệt hại đó không thể lường trước được.

 

Hàng ngàn năm trước, Việt Nam đã có kinh nghiệm với Trung Quốc. Ngay trong lịch sử hiện đại, giữa hai nước cũng xảy ra những tranh chấp. Điều đó chứng tỏ quan hệ hai nước rất phức tạp và mang tính chất rủi ro cho Việt Nam. Thành ra đối với Trung Quốc, giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc không thể dừng ở mức độ hô hào mà phải có các chính sách, đưa ra những mức độ hạn chế rủi ro. Quốc hội cần có uỷ ban theo dõi những mức độ đó, đưa ra cảnh báo cho Chính phủ.

 

Trung Quốc là một đối tác quan trọng về kinh tế chính trị, xã hội, quân sự... với Việt Nam nên không thể lúc nào cũng tiêu cực. Trong quan hệ "vừa yêu vừa ghét" ấy, các nhà lãnh đạo cần có chủ trương chính xác, rõ ràng trong bất cứ thời kỳ nào, lĩnh vực nào.

 

Theo Thành Luân

Đất Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm