1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cân đối ngân sách: Chi hết, ăn hết thì lấy gì đầu tư phát triển?

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho biết: "“Chi thường xuyên năm 2010 là 51%, năm 2017 tăng lên 70%, lấy hết ngân sách rồi. Chúng ta chi hết, ăn hết luôn thì không còn nguồn mà đầu tư phát triển nữa; hơn nữa, chi không hợp lý, không hiệu quả chứ không phải do nguồn thu giảm".

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp Quốc hội sáng nay (24/10), đại biểu Quốc hội (TPHCM) Trần Hoàng Ngân cho biết, năm 2017, Chính phủ lo ngại khó đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% nhưng báo cáo lần này trước Quốc hội cho thấy rất nhiều tín hiệu vui mừng.

Phải vượt qua Philippines

"Từ năm 2008 đến nay, đây là năm đầu tiên dự kiến, chúng ta hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 8 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Đây là nỗ lực quyết tâm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị", ông Ngân nói.

Đánh giá bức tranh kinh tế năm nay khả quan với các chỉ số vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, bội chi ngân sách và nợ công, tuy nhiên ông Ngân cũng cho rằng: "Để Việt Nam sánh vai được với các cường quốc, và bắt kịp các nước trong khu vực thì nhất thiết phải vượt qua Philippines".

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, mức tăng trưởng kinh tế Philippines là 6,8%, đứng đầu trong top 5 nền kinh tế lớn Đông Nam Á. Năm 2017, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo, kinh tế nước này có thể tăng trưởng tới 6,9%, vượt qua Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực.

Theo đó, ông Ngân cho rằng, ngay như trong năm 2018, Philippines dự kiến tăng trưởng khoảng 6,7%, do đó, Việt Nam muốn theo kịp các nước thì phải vượt qua được con số tăng trưởng này.

“Chính phủ cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và kiểm soát một số rủi ro về tài chính. Vốn hóa thị trường tài chính, chứng khoán hiện lên đến 93% GDP, trước chỉ 30% GDP. Trong khi đó, độ sâu tài chính cụ thể là dư nợ tín dụng trên GDP đã lên tới 120%, phải kiểm soát rủi ro. Dự trữ ngoại hối kỷ lục mới đạt 45 tỷ USD nhưng cần lưu ý phải tính trên số nhập khẩu, tức là dự trữ ngoại hối đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu nhập khẩu”, ông Ngân lưu ý.

Cũng nói về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng, cần phải đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh, cao nhưng cũng cần liên tục bởi "đã tụt xuống rồi là rất khó lên".

"Chúng ta đang đối diện với vấn đề đặt ra là dân chưa giàu đã già, do đó, quan điểm là phải tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2018, tức vẫn phải ở mức 6,7%", ông Quốc nói.

"Toyota đi thì chúng ta còn lại gì?"

Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tăng trưởng kinh tế 6,5% mà tạo tiền đề cho những năm sau phát triển thì không vấn đề gì, còn tăng trưởng 6,7-6,8% mà bất ổn thì lại không nên.

“Quý IV cộng lại có tăng trưởng 6,5% thôi thì cũng không có gì phải chê trách. Tuy nhiên, có một số điểm cho thấy bệnh thâm niên của nền kinh tế chưa được khắc phục”, ông Nghĩa nói.

Ông dẫn ví dụ đối với hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng có nguyên nhân mà theo phân tích của các nhà kinh tế có phần "quá cao và quá nhanh”.

"Giới quan sát quốc tế quan sát và họ đang lo ngại về dài hạn Việt Nam sẽ có vấn đề về tín dụng, nợ xấu và như thế thì không bền vững. Cùng với đó, startup vay nhiều, đặc biệt là tiền cũng đổ nhiều vào bất động sản, nhiều người mua không phải để ở mà để đầu cơ, dù hợp pháp thôi nhưng đến một mức độ nào đó sẽ có vấn đề”, ông nói.

Trong khi đó, theo ông Nghĩa, nhiều vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế chưa giải quyết được, nợ xấu còn xử lý chậm, ngân hàng yếu kém còn là "món nợ", chưa có giải pháp hiệu quả...

“Xuất khẩu vẫn dựa vào những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Về vấn đề này, chúng ta có bài học cụ thể về phát triển công nghiệp ô tô trong 20 năm qua. Chúng ta đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp ô tô lên tới 30-40% nhưng thực tế đạt được có vài phần trăm thôi. Muốn nội địa hóa phải đào tạo được nhân lực, phải sản xuất được bộ phận nào đó, chứ giờ như Toyota rút đi thì chúng ta còn lại gì?”, ông nhấn mạnh.

Theo vị đại biểu, đóng góp của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng với doanh nghiệp FDI chỉ tính bằng lao động giá rẻ, tiền lương thấp nên thực tế “không được hưởng bao nhiêu FDI cả”. Do đó cần phải tính toán thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, tạo ra những “sản phẩm của Việt Nam”.

Đại biểu Bùi Thanh Sơn (Đắk Nông) – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, kết quả tăng trưởng kinh tế đạt được của năm nay là điểm sáng, so sánh thì mức tăng GDP của Việt Nam chỉ thấp hơn Ấn Độ (7,1%), Trung Quốc (6,9%), tức là đứng thứ 3 thế giới.

Tuy nhiên, ông Sơn lo ngại vì việc tăng trưởng, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI mà riêng Samsung đã góp vào cơ cấu xuất khẩu 50 tỷ USD. Điều đó cho thấy doanh nghiệp nội địa của Việt Nam năng lực cạnh tranh còn rất thấp.

Nặng gánh chi ngân sách

Bên cạnh đó, về ngân sách, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, một số chuyên gia cảnh báo về cân đối thu chi của Việt Nam.

“Chi thường xuyên năm 2010 là 51%, năm 2017 tăng lên 70%, nó lấy hết ngân sách rồi. Chúng ta chi hết, ăn hết luôn thì không còn nguồn mà đầu tư phát triển nữa. Hơn nữa, chi không hợp lý, không hiệu quả chứ không phải do nguồn thu giảm. Do đó, cần phải đưa con số này từ từ về 60% và giảm dần nữa”, ông nói thêm.

Đồng quan điểm, Bí thư tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể bày tỏ lo ngại về vấn đề thu xếp vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản tới đây.

Ông Thể phân tích, hiện ngân sách vẫn đang “nặng gánh” với việc chi thường xuyên khi đã nỗ lực trong việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn mà hiệu quả mang lại chưa cao. Phần chi cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng còn lại rất ít. Trong khi đó, nguồn vốn huy động xã hội giữ vai trò rất lớn cho việc làm hạ tầng thì hiện lại đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ câu chuyện BOT giao thông.

“Không có đầu tư hôm nay sẽ ảnh hưởng cho nhiều năm sau đó. Vậy thì cần sử dụng vốn nhà nước một cách tiết kiệm hiệu quả. Còn với vốn tư nhân, cần tập trung trí tuệ để đề ra được giải pháp thu hút vốn trong dân, vốn nhàn rỗi, tạo điều kiện có lợi nhuận cho doanh nghiệp vì nếu không doanh nghiệp dù có tiền cũng không thể đầu tư cho xã hội”, ông Thể nói.

Phương Dung