1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

23 địa phương dùng “sai” ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng

(Dân trí) - Trong báo cáo về công tác kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi Quốc hội và đại biểu Quốc hội khoá XIV mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã công bố những sai phạm của 23 địa phương sử dụng sai tiền ngân sách 1.200 tỷ đồng và tuyển biên chế vượt so với cấp thẩm quyền giao là trên 3.000 viên chức.

Cụ thể, theo ông Hồ Đức Phớc, kế hoạch năm 2017, KTNN sẽ thực hiện 252 cuộc kiểm toán, tính đến ngày 30/9/2017 đã triển khai 185 cuộc và kết thúc 164 cuộc kiểm toán.

Tổng hợp sơ bộ, KTNN đã giúp giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) gần 6.800 tỷ đồng, riêng tăng thu cho NSNN gấp 4,05 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 40 văn bản là nghị định, thông tư, quyết định... nhằm bịt chỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí.

Việc các địa phương sử dụng sai ngân sách bị KTNN cảnh báo
Việc các địa phương sử dụng sai ngân sách bị KTNN cảnh báo

Trong nhiệm vụ kiểm toán ngân sách địa phương của 23 tỉnh thành phố, KTNN phát hiện việc sử dụng sai nguồn kinh phí số tiền 1.216 tỷ đồng; tạm ứng dự toán từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn đến 31/12/2016 chưa hoàn trả ngân sách trung ương 1.133 tỷ đồng.

Chi ngân sách địa phương cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được kiểm toán nhắc nhở nhưng chậm khắc phục, trong đó 09/23 địa phương tạm ứng xây dựng cơ bản và tạm ứng khác đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi số tiền hơn 3.200 tỷ đồng trong khi hàng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi vay...

KTNN cho biết, kiểm toán công tác quản lý và sử dụng biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 23 tỉnh, thành phát hiện nhiều sai phạm, KTNN kiến nghị thu hồi tiền, nộp ngân sách Nhà nước 108 tỷ đồng.

Cụ thể, cơ quan này đã phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao 2.173 biên chế, trong đó số thực tế tuyển dụng biên chế viên chức vượt so với số được cấp có thẩm quyền giao 3.000 viên chức.

Đặc biệt, việc sử dụng biên chế và lao động hợp đồng tại các đơn vị hiện vượt chỉ tiêu được giao là 6.939 biên chế và 15.070 lao động, trong đó 8.280 lao động hợp đồng sử dụng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, không đúng quy định của Bộ Nội vụ.

Về quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ Giao thông Vận tải, KTNN cho biết qua kiểm toán 22 dự án, cơ quan này kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu trên 22.000 tỷ đồng.

Đồng thời, phát hiện có 06/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; toàn quốc có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 02 trạm 70 km. Bên cạnh đó, kiểm toán chi tiết 15 dự án BOT, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 875,3 tỷ đồng và kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 39 năm 7 tháng.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm